TN - Đất & Người

Đưa chim yến từ biển lên rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Lâu nay, đề cập đến việc nuôi trồng, khai thác, chế biến đặc sản từ tổ chim yến, mọi người thường nghĩ đến địa danh Khánh Hòa hoặc các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ. Nhưng giờ đây, người dân Tây Nguyên đã biết cách và dụ thành công chim yến lên với núi rừng, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.
“Đất lành chim đậu”
Chim yến vốn chỉ có thói quen và tập quán sinh sống, nhả dãi để làm tổ trên những vách đá cao ngoài hải đảo hoặc những hang, động ven bờ biển, nơi có địa hình rất hiểm trở. Vì vậy, người dân các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ đã tận dụng điều kiện thiên nhiên, làm những ngôi nhà gần bờ để dụ chim yến vào làm tổ.
Nhưng vài năm gần đây, nhiều hộ gia đình ở các tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Nông), nơi cách xa biển hàng trăm cây số đã và đang dụ thành công chim yến về sinh sống, nhả dãi làm tổ mang lại lợi nhuận kinh tế cao. Chuyện nghe khó tin nhưng là có thật.
 
Một ngôi nhà mới được xây dựng trên cạnh vườn cao su tại làng Ghè, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai để nuôi chim yến. (Ảnh: Trần Quỳnh)
Người dân Tây Nguyên đã quan sát và biết rằng, trên vùng cao nguyên có đồi núi cao, hang động lớn xen kẽ với nhiều thác, hồ nước ngọt và các con sông, suối lớn. Chính điều tự nhiên như vậy đã tạo ra hệ sinh thái vô cùng phong phú. Từ đó cung cấp lượng côn trùng dồi dào làm thức ăn cho các loài chim, trong đó có chim Yến, nên có khả năng thu hút chúng về đây sinh sống. Do nằm trên độ cao từ 500m trở lên so với mực nước biển nên Tây Nguyên có nhiệt độ tương đối mát mẻ, trung bình 24 - 27 độ C, khí hậu dễ chịu với 2 mùa mưa và mùa khô rất rõ rệt, phù hợp với chim Yến.
Nắm bắt được lợi thế đó, từ năm 2010, một số người dân nơi đây đã cải tạo nhà đang ở hoặc làm những ngôi nhà mới có thiết kế đặc biệt chuyên để nuôi chim Yến. Khởi đầu là ở Đắk Lắk và Gia Lai, rồi dần phát triển ra các tỉnh khác trong vùng. Hiện nay, số lượng gia đình nuôi chim Yến ở Tây Nguyên đang tăng lên khá nhanh, trở thành một xu thế phát triển kinh tế hộ gia đình, xóa đói giảm nghèo khá hiệu quả. Nhiều nhà đã phát triển từ cấp độ gia đình nhỏ lẻ lên thành quy mô trang trại, sản xuất hàng hóa lớn.
Ông Lưu Văn Ngà ở thôn Lâm Tôk, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai cho biết: Làm nhà nuôi chim Yến không khó, chỉ cần khoảng 100 m2 là có thể xây dựng được riêng một ngôi nhà nuôi chim Yến hoặc cải tạo nhà đang ở, dành những tầng bên trên làm nơi nuôi chim Yến, còn tầng dưới vẫn có thể dùng làm nơi gia đình sinh hoạt bình thường. Giá thành xây dựng dao động từ 1 triệu đến 1,3 triệu đồng/m2, chỉ cần đầu tư khoảng 400 trăm triệu đồng là có thể xây một căn nhà 2 đến 3 tầng để nuôi chim Yến. Mức giá này khá phù hợp với điều kiện kinh tế của đa số gia đình.
 
Ngôi nhà 3 tầng 1 tum của ông Lưu Văn Ngà ở thôn Lâm Tôk, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai được cải tạo lại tầng 2, 3 và tum để kết hợp vừa ở vừa nuôi chim yến. (Ảnh: Trần Quỳnh)
Nhà nuôi chim yến có thiết kế đặc biệt, bên ngoài phải kín, xung quanh tường làm những ống thông hơi và lỗ cho chim ra vào; bên trong làm nhiều khoang, sàn, tầng phụ cho chim làm tổ; nhà nào có điều kiện thì cầu kỳ làm giả những hang, hốc nhỏ trên tường càng dễ dụ chim đến cư trú, làm tổ.
Ngoài một số bí quyết trong xây dựng, phải có một thứ không thể thiếu là bộ dụng cụ dụ chim. Khá đơn giản, chỉ cần một đầu phát nhạc, một bộ tăng âm và một dàn loa công suất lớn, kiểu như loa tầm của các nhà máy, xí nghiệp, treo cao trên nóc nhà. Cứ sáng sáng phát loa băng ghi âm giả tiếng kêu của chim yến là sẽ dụ được chúng về. Bí quyết ở chỗ băng ghi âm giả tiếng chim yến có giống như thật hay không, có trong trẻo hay không, âm thanh loa có chất lượng hay không, dàn loa có đủ công suất hay không, vị trí xây nhà và đặt loa có gần nơi chim yến quần tụ hay không…?
Ông Mai Văn Quang, một người đang nuôi chim yến ở huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum cho biết: Đúng là đã có nhiều người nuôi chim yến trên vùng cao nguyên, nhưng không phải ai cũng thành công, hoặc có người nuôi được nhưng không như mong đợi. Lý do là việc dụ được chim yến về làm tổ, ngoài kỹ thuật xây nhà, vị trí địa lý, địa điểm lý tưởng, dụng cụ dụ chim chất lượng tốt, thì còn phải “tùy duyên”, “đất lành chim đậu”. Người nào mà không hợp “vía” thì dụ thế nào chim yến cũng không về, hoặc có về rồi lại bỏ đi.
Hiệu quả kinh tế cao nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Sản phẩm được chế biến từ tổ chim yến từ lâu đã là đặc sản rất quý hiếm, có giá trị dinh dưỡng cao nên cũng có giá bán rất cao, hàng triệu đến hàng chục triệu đồng/kg tùy từng loại.
Một số hộ nuôi chim yến ở Tây Nguyên cho biết, với căn nhà khoảng 400 m2 bình quân mỗi tháng cho thu nhập 20 - 30 triệu đồng tùy thời điểm. Cá biệt có những căn nhà chim yến về nhiều thì có thể cho thu nhập tới 40 triệu đồng/tháng. Trung bình mỗi năm thu hoạch được khoảng 10 kg tổ yến thô. Trong khi đầu tư cho chăn nuôi là không đáng kể, cũng không tốn nhiều nhân công, chỉ sau 2 - 3 năm là thu hồi được vốn đầu tư.
Rõ ràng với mức vốn đầu tư và khả năng thu hồi vốn như vậy đang mở ra một cơ hội xóa đói giảm nghèo và làm giàu khá nhanh. Đồng thời mở ra một hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi mới cho địa phương.
 
Nuôi chim yến đang mở ra một hướng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên. (Ảnh: CTV TTXVN)
Tuy nhiên, việc xây nhà nuôi chim yến ở Tây Nguyên cũng đang tiềm ẩn một số nguy cơ.
Thứ nhất, nhà nuôi chim yến chủ yếu được xây ở vùng rừng núi, nương rẫy nên rất khó quản lý về quy hoạch đất đai, đô thị, nên tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng kẽ hở để chuyển đổi bất hợp pháp đất rừng, đất nông nghiệp thành đất ở.
Thứ hai, cũng vì nhà nuôi chim yến thường được xây dựng nơi rừng núi, nương rẫy, nên tiềm ẩn nguy cơ phá rừng, phá nương rẫy, san lấp mặt bằng trái phép để xây nhà.
Thứ ba, nhà nuôi chim yến cũng có thể xây ở ngay trong khu đô thị; thậm chí có thể cải tạo nhà đang ở để kết hợp vừa ở vừa nuôi chim, nên tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ quy hoạch xây dựng và làm xấu cảnh quan đô thị.
Thứ tư, việc phát loa âm thanh giả tiếng chim để dụ yến cần phải to, rõ và vang xa, nên tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự nơi công cộng, nhất là với những hộ nuôi trong đô thị.
Thứ tư, ngành chức năng chưa có hướng dẫn cụ thể về quy chuẩn xây dựng nhà nuôi chim yến, quy trình chăm nuôi, quy chuẩn thức ăn, cách thức vệ sinh phòng chống bệnh dịch cho chim yến trong môi trường nuôi nhân tạo trên vùng núi Tây Nguyên.
Thứ năm, chính quyền các địa phương chưa có nghiên cứu cụ thể, chưa có quy hoạch và chính sách phù hợp, hình thức nuôi chim yến ở các tỉnh Tây Nguyên như hiện nay mới chỉ là tự phát, nên tiềm ẩn nguy cơ của câu chuyện “được mùa thì mất giá”, “được giá thì mất mùa”…
Nếu cấp chính quyền và đơn vị có liên quan ở địa phương giải quyết và quản lý tốt những vấn đề trên thì mô hình nuôi chim yến ở Tây Nguyên đang báo hiệu một tương lai tốt, mở ra một ngành nghề chăn nuôi mới, một hướng xóa đói giảm nghèo có hiệu quả cho đồng bào các dân tộc nơi đây.
Trần Quỳnh (ĐCSVN)

Có thể bạn quan tâm