Chính trị

Tin tức

Đưa Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI vào cuộc sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, việc học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI nhằm giúp các cấp bộ đoàn, đoàn viên, thanh thiếu niên nắm vững ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết; từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm, góp phần đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Tiếp tục chương trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ hai, khóa XI, chiều 4-1, các đại biểu thảo luận nhiều nội dung. Cụ thể gồm: Kế hoạch học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI; Báo cáo tổng kết công tác đoàn, phong trào thanh thiếu nhi năm 2017; Sự kiện, hoạt động tiêu biểu công tác đoàn, phong trào thanh thiếu nhi năm 2017 và Chương trình công tác đoàn, phong trào thanh thiếu nhi năm 2018.

 

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Việc học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết phải thiết thực, khoa học

Theo Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, việc học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI nhằm giúp các cấp bộ đoàn, đoàn viên, thanh thiếu niên nắm vững ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết; từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm, góp phần đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Nội dung sẽ tập trung vào những quan điểm mới trong các văn kiện được thông qua tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XI; kết hợp học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết với thảo luận thực hiện nhiệm vụ chính trị và thông qua chương trình hành động.

Về hình thức, các đơn vị tổ chức hội nghị học tập, quán triệt; tổ chức sinh hoạt chi đoàn, chi hội; viết báo cáo thu hoạch sau đợt học tập. Đối với hoạt động tuyên truyền sẽ thực hiện trên các phương tiện truyền thông hiện đại và mạng xã hội.

Cho ý kiến về nội dung này, anh Vũ Văn Chúc, Phó Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đoàn đề xuất, cần ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đánh giá kết quả học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết. Theo đó, cần mở trang thông tin điện tử (website) riêng về nội dung này để phân loại nội dung học tập, quán triệt cho cán bộ, đoàn viên, chuyển tải nội dung tuyên truyền cho thanh thiếu niên.

Căn cứ vào đó, các cơ sở đoàn sẽ lựa chọn hình thức phù hợp với điều kiện thực tế để triển khai tại địa phương, đơn vị mình. Ngoài ra, website cũng cần có bộ câu hỏi công cụ đánh giá kết quả học tập, quán triệt, tuyên truyền dành riêng cho từng đối tượng, từ đó Ban Chấp hành Trung ương Đoàn biết được đơn vị nào làm tốt, đơn vị nào làm chưa tới nơi.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu nhấn mạnh, việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết cần nghiêm túc, khoa học, thiết thực và hiệu quả. Việc xây dựng tài liệu học tập, công cụ tuyên truyền cần đổi mới theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và hiện đại. Nhiều ý kiến cho rằng, việc học tập, quán triệt Nghị quyết tập trung triển khai đối với cán bộ, đoàn viên; riêng thanh thiếu niên tập trung vào hình thức phổ biến, tuyên truyền Nghị quyết.

Thúc đẩy tinh thần sáng tạo của tuổi trẻ

Với nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy tinh thần sáng tạo của tuổi trẻ Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đã đề ra một số chỉ tiêu cơ bản: Xây dựng 2.000 mô hình, giải pháp tư vấn giúp đỡ, hỗ trợ thanh thiếu niên yếu thế tại xã, phường, thị trấn; vận động đoàn viên, thanh niên đề xuất 1 triệu ý tưởng, sáng kiến; hỗ trợ vay vốn ít nhất 2.000 tỷ đồng cho thanh niên làm kinh tế; hỗ trợ 200 dự án khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên; xây dựng mới ít nhất 2.000 điểm sinh hoạt, vui chơi cho thanh thiếu nhi tại xã, phường, thị trấn…

Đối với hoạt động đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, tổ chức các hoạt động tư vấn, đào tạo, hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng cho thanh niên khởi nghiệp; tổ chức các khóa đào tạo trực tiếp và trực tuyến về khởi nghiệp cho thanh niên; trang bị các kỹ năng khởi nghiệp...

Anh Trần Xuân Bách, Giảng viên Đại học Y Hà Nội cho rằng, trường học đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ kiến thức cho thanh niên khởi nghiệp. Vì thế các trường đại học cần đẩy mạnh chương trình đào tạo hướng đến khởi nghiệp có tính chất chuyên ngành, liên ngành. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp các cấp.

Anh Lê Thành Công, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất cần đẩy mạnh các mô hình kinh tế nông nghiệp mang lại hiệu quả, lợi nhuận cao nhưng phải gắn với bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, thanh niên cần xung kích trong vấn đề xử lý rác thải chăn nuôi, đảm bảo môi trường sống cho người dân.

Phan Phương (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm