Giải trí

Âm nhạc - Điện ảnh

Đưa nhạc Việt ra thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hooligan và nhiều nghệ sĩ Việt khác đã ký hợp đồng trực tiếp với Sony Music Entertainment thu hút sự chú ý của công chúng.

Khi phát hành album đầu tay EPIC, Hooligan (tên thật Lê Công Thành) cũng chính thức trở thành nghệ sĩ trực thuộc hãng đĩa Sony Music Entertainment - đang sở hữu dàn nghệ sĩ trẻ nổi bật như Lil Nas X, Doja Cat, Khalid bên cạnh các tên tuổi thành công trên toàn thế giới như Michael Jackson, Mariah Carey, Britney Spears hay Miley Cyrus.

Cú bắt tay thương hiệu

Mới đây, giọng ca Kim Kunni cũng đầu quân về công ty giải trí, hãng đĩa quốc tế Sony Music Entertainment (SME). Trước đó làng giải trí có Luke D, Hà Lê và Hooligan là 3 tài năng trực thuộc Công ty Quản lý Sony Entertainment Music, được định hướng phát triển theo con đường chuyên nghiệp, tiệm cận với xu hướng âm nhạc thế giới.

Kim Kunni sinh năm 1996, tên thật là Huỳnh Thị Kim Hoàng, từng là sinh viên Khoa Sư phạm Âm nhạc Trường ĐH Sài Gòn. Nữ ca sĩ trẻ từng gây ấn tượng qua các sản phẩm như "Touch", "Don't wanna cry", "Butterfly", "Chiều tối"...

Sau khi gia nhập công ty, Kim Kunni nhanh chóng đánh dấu sắc màu bản thân thông qua sản phẩm độc lạ mang tên "Chờ". Nếu hình ảnh trong sản phẩm có phần lạ mắt và ma quái thì phần giai điệu lại khiến người nghe chú ý với chất nhạc kết hợp giữa Dream Pop và R&B. Trước khi về SME, Kim Kunni từng nằm trong danh sách 9 nghệ sĩ đại diện cho nền âm nhạc đương đại Việt Nam của tạp chí Bandwagon, tạp chí âm nhạc có trụ sở ở Singapore chuyên đưa tin về lĩnh vực giải trí Đông Nam Á.

Được biết đến rộng rãi qua ca khúc "To the moon" (đang sở hữu hơn 31 triệu lượt xem trên YouTube), Hooligan gây ấn tượng bởi giọng lạ tai, tư duy âm nhạc độc đáo với âm hưởng chính là R&B và Alternative pha một chút Blue Jazz. Với album đầu tay EPIC, nam ca nhạc sĩ cho biết album như một chiếc "la bàn" đã đưa anh bước ra ánh sáng và vượt qua khoảng thời gian khủng hoảng. Với tổng cộng 11 ca khúc, EPIC là một album tổng hợp nhiều nhánh nhỏ của Rock: Funk Rock, Rock Ballad, British Rock, Folk Rock, Alternative Rock; bên cạnh các thể loại gần gũi với thị hiếu nhạc Việt như Pop, Ballad...

Khi SME công bố ký hợp đồng với hot TikToker hơn 2 triệu người theo dõi Luke D, công chúng khá bất ngờ. Bởi trước khi trở thành ca sĩ với sự hỗ trợ của SME, Luke D là một Hot TikToker, sở hữu hơn 2 triệu người theo dõi và 24,7 triệu lượt thích bởi ngoại hình điển trai, cách sáng tạo nội dung mới mẻ hợp thị hiếu. Song, không dừng lại ở một TikToker giải trí, Luke D thể hiện thế mạnh trong lĩnh vực âm nhạc khi từng xuất sắc giành được giải TikTok Master hạng mục âm nhạc (Music) - một cuộc thi dành cho các nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok.

Bà Hương Đoàn (đại diện của SME ở Việt Nam) cho biết Luke D là tân binh có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ.

Ca sĩ Hà Lê thành công với Trịnh Contemporary. (Ảnh: TÌNH LÊ)

Ca sĩ Hà Lê thành công với Trịnh Contemporary. (Ảnh: TÌNH LÊ)

Cơ hội và thách thức

Nhìn vào sản phẩm Trịnh Contemporary của Hà Lê, dễ dàng nhận ra nếu không có sự hỗ trợ của công ty chủ quản, dự án này sẽ gặp ít nhiều trắc trở. Thời điểm tuyên bố thực hiện dự án về nhạc Trịnh, Hà Lê vấp phải nhiều phản đối cùng hoài nghi. Nhưng khi album "Ở trọ" ra đời, tài năng và sức sáng tạo của anh đã được giới chuyên môn lẫn khán giả công nhận.

Được thỏa mãn sáng tạo chính là cách mà các nghệ sĩ Việt được công ty nước ngoài tạo điều kiện và thúc đẩy. Tuy nhiên, ở một mặt nào đó, tự do sáng tạo cá nhân cũng khiến âm nhạc của nhiều nghệ sĩ trở nên xa cách với đại đa số khán giả. Đứng trước những ý kiến về việc lựa chọn các dòng nhạc khá kén người nghe cho album đầu tay, Hooligan cho biết: "Âm nhạc cũng giống như tình yêu, bạn phải đối xử một cách chân thật nhất, không toan tính và nồng nhiệt nhất thì bạn mới nhận lại được điều tương tự. Vậy nên, trong giai đoạn này, Hooligan sẽ nghiêng về bản thân, vì mình cần hoàn thiện bản thân trước để biết mình là ai".

Phần lớn các nghệ sĩ hợp tác với nước ngoài đều chuộng tiếng Anh và đây sẽ là điều khiến những sản phẩm này khó đến với khán giả Việt. Nhưng khi thành công ở thế giới còn là bài toán chưa có đáp án thì ngay ở thị trường trong nước, ca sĩ sẽ mất thị phần. Ca sĩ Hồng Nhung cho rằng: "Ra biển lớn làm gì nếu ngay ở sân nhà chúng ta không làm nên chuyện. Với tôi, tôi cứ phục vụ khán giả của mình trước đã rồi tính đến chuyện khác". Có lẽ vì vậy mà ca sĩ Hồng Nhung đã tận dụng mọi kỹ thuật, công nghệ tân tiến của nước ngoài vào sản phẩm đậm chất Việt của mình thay vì làm ra một sản phẩm chỉ để phục vụ khán giả ngoại.

Tất nhiên, ca sĩ Việt với tham vọng ra biển lớn vẫn cần được khuyến khích. Đơn giản là bước chân ra khỏi thị trường Việt Nam để ghi lại dấu ấn trên phạm vi rộng hơn là một hành trình hứa hẹn có cả niềm vui và những thách thức. Bởi không thể tìm được giới hạn của bản thân ở đâu nếu cứ mãi ở trong vùng an toàn của V-pop.

Không còn là giấc mơ, nhạc Việt ra thế giới đang từng bước được thực hiện và gây chú ý.

Có thể bạn quan tâm