Kinh tế

Đưa sản phẩm OCOP vào du lịch: Lợi ích kép

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai có nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng cùng những sản vật đặc trưng vùng miền đã được gắn sao OCOP. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các địa phương trong tỉnh khai thác, phát triển du lịch cũng như tạo đà cho sản phẩm OCOP vươn xa.

Tương trợ để cùng phát triển

Huyện Đak Đoa sở hữu nhiều danh thắng, di tích lịch sử như: đồi cỏ hồng (xã Glar), hồ Ia Băng (xã Ia Băng), Khu lưu niệm Anh hùng Wừu (xã Đak Sơ Mei)... Các dân tộc bản địa trên địa bàn huyện còn lưu giữ được những nét đẹp văn hóa đặc trưng. Cùng với đó, trong 2 năm qua, huyện đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP nhằm xây dựng, phát triển các mặt hàng nông sản, đặc sản của địa phương.


Trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế này, vài năm nay, huyện Đak Đoa đều tổ chức Ngày hội Văn hóa-Thể thao các dân tộc thiểu số gắn với du lịch đồi cỏ hồng và phiên chợ hàng nông sản. Đây không chỉ là dịp để quảng bá, thu hút khách du lịch đến tham quan các thắng cảnh, di tích lịch sử, thưởng thức những nét văn hóa đặc sắc của người dân bản địa mà còn là cơ hội giới thiệu đặc sản địa phương, nhất là những đặc sản đã được chứng nhận OCOP như: gạo Krol (xã Hà Bầu), khoai lang Lệ Cần (xã Tân Bình), thịt bò khô Huy Vũ (thị trấn Đak Đoa), măng giòn Vân Long (xã Kon Gang)…

 Quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP Gia Lai tại Khu du lịch Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: Trần Dung
Quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP Gia Lai tại Khu du lịch Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: Trần Dung


Bà Hồ Thị Vân-chủ cơ sở măng giòn Vân Long-cho biết: “Mỗi năm, lượng du khách đến tham quan, thưởng ngoạn các điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn huyện rất nhiều. Đây là cơ hội để chúng tôi quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương, nhất là các sản phẩm OCOP. Thời gian tới, huyện cần tiếp tục quan tâm phát triển hạ tầng du lịch nhằm giữ chân du khách lâu hơn, giúp sản phẩm OCOP trên địa bàn được nhiều người biết đến”.

Năm 2019 và năm 2020, huyện Đak Đoa có 17 sản phẩm được chứng nhận OCOP cấp tỉnh. Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-thông tin: “Bên cạnh đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP tại các lễ hội, điểm du lịch nổi tiếng, vào ngày 15 hàng tháng, huyện cũng tổ chức chợ phiên nông sản an toàn. Chợ phiên là dịp để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp sạch đến người tiêu dùng. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để sản phẩm OCOP phát triển thương hiệu, trở thành quà tặng cho khách du lịch”.

Đầu tháng 10-2020, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) phối hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp Liên hiệp Gia Lai (GAUC) khai trương điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP Gia Lai tại Khu du lịch Biển Hồ (TP. Pleiku). Tại đây trưng bày và giới thiệu 50 sản phẩm mang nét đặc trưng của từng vùng miền cùng những sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh 3-4 sao như: cà phê, hồ tiêu, mật ong, thịt bò khô, măng khô, mắc ca, cao đinh lăng, đông trùng hạ thảo…

Hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP ngay tại Khu du lịch Biển Hồ có ý nghĩa thiết thực, bổ sung không gian trải nghiệm của du khách khi đến đây. Bà Hoàng Thị Ánh-du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh-chia sẻ: “Gia Lai là điểm đến hàng năm của gia đình tôi. Tuy nhiên, lần này tới Gia Lai, ngoài việc được tham quan các danh thắng thì tôi thực sự ấn tượng với các sản phẩm đặc trưng của địa phương tại điểm trưng bày, giới thiệu ở Khu du lịch Biển Hồ. Tôi đã chọn mua một số sản phẩm về sử dụng và làm quà tặng cho người thân”.

Hướng đi triển vọng

Theo ông Nguyễn Tấn Công-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Liên hiệp Gia Lai, việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tại Khu du lịch Biển Hồ là điều kiện vô cùng thuận lợi để du khách biết đến những sản vật đặc trưng của địa phương. “Hàng ngày, sau khi vui chơi tại đây, hầu như du khách đều ghé gian hàng để tham quan, chọn mua các sản phẩm OCOP đặc trưng về làm quà. Ngoài ra, từ khi mở điểm trưng bày này, các sản phẩm OCOP của Gia Lai được nhiều người biết đến, lượng tiêu thụ tăng nhanh. Thậm chí, nhiều đơn vị, cá nhân ngoài tỉnh đã đặt vấn đề lấy sản phẩm về địa phương mình kinh doanh”-ông Công cho biết.

Cũng theo ông Công, Gia Lai cần có thêm nhiều điểm trưng bày sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch nổi tiếng cũng như đưa sản phẩm này vào các trung tâm thương mại, siêu thị… Đồng thời, cung cấp cho điểm trưng bày các ấn phẩm, tờ rơi, cẩm nang du lịch Gia Lai để tặng kèm cho du khách khi đến mua hàng hoặc mỗi khi đưa các sản phẩm đi xúc tiến thương mại ở các tỉnh, thành trong cả nước.

 Huyện Đak Đoa tổ chức Ngày hội Văn hóa-Thể thao các dân tộc thiểu số gắn với du lịch đồi cỏ hồng và phiên chợ hàng nông sản. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Huyện Đak Đoa tổ chức Ngày hội Văn hóa-Thể thao các dân tộc thiểu số gắn với du lịch đồi cỏ hồng và phiên chợ hàng nông sản. Ảnh: Tuấn Nguyễn


Trao đổi với P.V, ông Y Nguyên Ênuôl-Chi cục trưởng Chi cục PTNT (Sở Nông nghiệp và PTNT) thông tin: Năm 2020, tỉnh có thêm 107 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao, nâng tổng sản phẩm OCOP của địa phương lên 149. Để sản phẩm OCOP ngày càng khẳng định thương hiệu cũng như vươn xa trên thị trường, UBND tỉnh vừa có công văn yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tuyên truyền, khuyến khích sử dụng sản phẩm OCOP của tỉnh làm tặng phẩm cho khách tham quan. Đồng thời, chủ động phối hợp với các chủ thể có sản phẩm OCOP để hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng, phát triển các sản phẩm có chất lượng phù hợp và đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đây cũng là cơ hội để các địa phương, đơn vị khai thác lợi thế sẵn có, xây dựng và đưa sản phẩm OCOP ngày càng đến gần hơn với người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho biết: “Việc lồng ghép xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực của tỉnh. Đây cũng là hướng đi mà ngành du lịch Gia Lai đang triển khai thực hiện. Sản phẩm OCOP sẽ góp phần làm phong phú cho chương trình du lịch, thu hút du khách, đồng thời quảng bá hoạt động du lịch, tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm. Đặc biệt, những năm qua, tỉnh đã quan tâm phát triển du lịch cộng đồng, từng bước hình thành các cơ sở kinh doanh dịch vụ homestay chuyên nghiệp. Đây chính là cơ sở, tiền đề thuận lợi cho việc xây dựng sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch”.

 

QUANG TẤN-TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm