Điểm đến Gia Lai

Đức Cơ giúp người dân tiếp cận thông tin để giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với việc phát huy hiệu quả các kênh thông tin, tuyên truyền, huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) đã giúp người nghèo tiếp cận kịp thời chủ trương, chính sách về giảm nghèo của Đảng, Nhà nước và các mô hình hay, cách làm hiệu quả để phát triển kinh tế.

Đa dạng kênh thông tin đến người dân

Để tăng độ “phủ sóng” về giảm nghèo thông tin cho người dân, UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành, hội, đoàn thể đa dạng hình thức tuyên truyền qua hệ thống pa nô, băng rôn, khẩu hiệu, xe loa; tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt tại thôn, làng, qua mạng xã hội Zalo, Facebook cũng như trang thông tin điện tử của huyện, xã.

Nhờ vậy, thông tin đến với người dân một cách nhanh chóng, kịp thời, mọi lúc, mọi nơi.

Hội viên Hội Nông dân huyện Đức Cơ thực hiện ứng dụng công nghệ số trên điện thoại thông minh. Ảnh: Tuấn Anh

Theo ông Nguyễn Vũ Hiền-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện: Từ đầu năm đến nay, UBND huyện đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác thông tin, tuyên truyền của các xã, thị trấn với gần 1.000 cán bộ, công chức và ban dân chính, đoàn thể tham gia; phối hợp với các cơ quan báo chí đăng tải các tin, bài, clip, hình ảnh… về các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong sản xuất để người dân học tập, áp dụng vào sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể của huyện cũng chủ động cung cấp thông tin cho người dân, nhất là đối với hội viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo bằng nhiều hình thức.

Mới đây, Hội Nông dân huyện đã cung cấp ứng dụng quản lý tín dụng chính sách trên điện thoại thông minh để hội viên, nông dân để nắm rõ về hoạt động tín dụng, cơ sở dữ liệu cho vay, trả lãi và gốc cho ngân hàng. Từ đó, các hộ vay vốn nắm bắt thông tin kịp thời về nguồn vốn vay.

Ông Nguyễn Tuấn Anh-Chủ tịch Hội Nông dân huyện-cho hay: “Toàn huyện có 2.149 hội viên nông dân vay vốn thông qua 41 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ 112,828 tỷ đồng. Nhờ áp dụng hệ thống quản lý tín dụng này, từ người vay vốn đến cán bộ ngân hàng, người phụ trách tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn, làng thuận tiện hơn khi thu hồi công nợ và lãi hàng tháng”.

Cụm loa phát thanh ở xã Ia Kla là phương tiện hữu ích để truyền tải thông tin đến với người dân nhanh chóng, thuận lợi. Ảnh: Đ.Y

Ông Hoàng Kim Sơn-Công chức Văn hóa-Xã hội xã Ia Kla-cho biết: Toàn xã có 12 cụm loa truyền thanh ở 6 thôn, làng. Các cụm loa tiếp sóng 5 giờ/ngày từ các đài phát thanh của trung ương và địa phương. Nhờ đó, người dân nắm bắt thông tin nhanh chóng, thực hiện hiệu quả hơn các chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước. Nhiều mô hình hay, hiệu quả được người dân lắng nghe, học tập để áp dụng vào sản xuất.

Cùng với đó, xã Ia Kla còn đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình hay, gương điển hình sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương để nhân rộng và lan tỏa trong cộng đồng. Ngoài ra, xã đã có nhiều giải pháp để phát huy vai trò các tổ công nghệ số cộng đồng, góp phần đưa các nền tảng số, công nghệ số đến với người dân.

Hiện nay, xã có 6 tổ công nghệ số cộng đồng do trưởng thôn làm tổ trưởng. Đại diện Mặt trận, đoàn thanh niên, phụ nữ, chi hội nông dân là thành viên. Các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng đến từng nhà, gặp từng người giúp cài đặt ứng dụng số, chỉ dẫn cách sử dụng an toàn, giúp bà con nắm được thông tin nhanh chóng hơn.

Ông Trần Trọng Bằng-Tổ trưởng Tổ công nghệ số làng Ia Tang (xã Ia Kla) cho biết: Toàn xã hiện có 392 hộ. Nhờ công nghệ số, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được tuyên truyền đến người dân một cách thuận lợi, nhanh chóng.

Tương tự, để người nghèo tiếp cận thông tin một cách thuận lợi, xã Ia Krêl cũng đẩy mạnh tuyên truyền ứng dụng công nghệ số tại cộng đồng. Ông Rơ Mah Chắt-Phó Chủ tịch UBND xã-cho hay: Ủy ban nhân dân xã cử cán bộ phụ trách thôn, làng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng các ứng dụng hữu ích trên điện thoại thông minh, thiết bị kỹ thuật số.

Tổ hỗ trợ dịch vụ hành chính công của xã đến từng thôn, làng hướng dẫn người dân cài đặt tài khoản và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, kết nối cổng dịch vụ công...

Cùng với đó, xã phối hợp với cơ quan truyền thông giới thiệu gương điển hình, mô hình kinh tế hiệu quả cũng như tuyên truyền chính sách giảm nghèo đến người dân. Qua đó, bà con tiếp cận thông tin, kiến thức dễ dàng, học hỏi thêm khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm trong sản xuất, phòng-chống dịch bệnh”.

Thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội

Gia đình anh Rơ Mah Kú (làng Sung Kép, xã Ia Kla) thuộc diện hộ nghèo. Cuối năm 2023, qua nắm bắt thông tin, anh đăng ký học lớp nghề xây dựng do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức. Sau 3 tháng theo học, anh đã nắm bắt được kỹ thuật và dần dần trở thành người thợ xây vững tay nghề.

Gia đình chị Kpuih A Mít (làng Khóp, xã Ia Krêl) được nhà nước hỗ trợ 2 con bò sinh sản làm sinh kế để vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Đ.Y

Anh Kú cho biết: Gia đình anh không có đất sản xuất, vợ chồng quanh năm làm thuê làm mướn cũng chỉ đắp đổi qua ngày. Sau khi học nghề, do chưa có kinh nghiệm nên anh xin theo làm cùng một số đội thợ xây của xã. Khi có kinh nghiệm, anh và một số thanh niên trong làng thành lập tổ xây nhà cho bà con trong và ngoài xã. Nhờ có công việc ổn định, kinh tế gia đình anh đã ổn định hơn.

“Tháng 3-2024, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ 44 triệu đồng để làm nhà ở. Sau đó, tôi vay mượn thêm để xây dựng căn nhà có diện tích 90 m2 với kinh phí 150 triệu đồng.

Tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện học nghề và hỗ trợ kinh phí để làm nhà ở. Tôi sẽ cố gắng phát huy nghề xây dựng để có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững và có cơ hội để giúp đỡ các hộ nghèo khác”-anh Kú bộc bạch.

Mới đây, gia đình chị Kpuih A Mít (làng Khóp, xã Ia Krêl) đã vươn lên thoát nghèo sau khi được xã hỗ trợ 2 con bò sinh sản.

Chị A Mít vui mừng cho biết: “Gia đình tôi không có đất sản xuất nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Biết được hoàn cảnh gia đình tôi, xã hỗ trợ 2 con bò sinh sản, gia đình vay mượn mua thêm 1 con để tiện chăm sóc. Gia đình tôi đăng ký thoát nghèo trong năm nay. Đợt rà soát đầu tháng 10-2024, gia đình tôi đã đủ điều kiện để thoát nghèo”.

Nhờ biết áp dụng những thông tin hữu ích vào thực tiễn cuộc sống, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Đức Cơ còn 1.570 hộ nghèo, giảm 431 hộ nghèo so với cùng kỳ năm 2023.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Nguyễn Vũ Hiền cho hay: “Để tiếp tục đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo, thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ người nghèo ứng dụng công nghệ thông tin, tìm kiếm các nguồn hỗ trợ cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp thoát nghèo.

Đồng thời, tăng cường đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, chất lượng dịch vụ viễn thông, ưu tiên các xã vùng sâu, vùng xa. Qua đó, người nghèo, cận nghèo chủ động hơn trong tiếp cận các thông tin hữu ích, cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp nâng cao thu nhập để thoát nghèo bền vững”.

Có thể bạn quan tâm