(GLO)- Trong điều kiện khó khăn chung hiện nay, với sự nỗ lực không ngừng của các cấp, các ngành cùng sự chung tay đồng lòng từ phía nhân dân, huyện biên giới Đức Cơ vẫn ghi dấu ấn phát triển ổn định về mọi mặt: kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh…, góp phần tạo nên một vùng biên cương giàu mạnh, vững chắc.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế
Với điều kiện tự nhiên phù hợp canh tác các loại cây trồng, đặc biệt là cây công nghiệp, đến nay, tổng diện tích giao trồng toàn huyện Đức Cơ đạt gần 17.640 ha, trong đó có 3.594 ha cây công nghiệp ngắn ngày, 13.815 ha cây công nghiệp dài ngày (tăng 206,5 ha so với cùng kỳ năm trước), 230 ha cây ăn quả...
Thị trấn Chư Ty hôm nay. Ảnh: Lê Hòa |
Để góp phần thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ nhân dân giảm bớt khó khăn-đặc biệt là với đối tượng người dân tộc thiểu số, từ đầu năm đến nay, ngành chức năng địa phương đã triển khai thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ: trợ giá 70% kinh phí mua các loại giống phục vụ sản xuất vụ mùa cho các hộ dân tộc thiểu số, hộ Kinh nghèo và cận nghèo (đến nay đã có 58 hộ đăng ký với 1.110 kg giống các loại); thực hiện chương trình hỗ trợ giống cà phê tái canh cho 180 hộ với 60.670 cây cà phê…
Bên cạnh đó, các chương trình, dự án khuyến nông của huyện như: Trồng rau an toàn trong nhà lưới, mô hình tưới nước tiết kiệm và bón phân qua đường ống cho cây hồ tiêu, tưới nước nhỏ giọt trên cây cà phê… được triển khai với mục đích tạo cơ hội cho người dân được tiếp cận các tiến bộ khoa học mới và áp dụng vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Song song với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, các lĩnh vực: tiểu thủ công nghiệp-thương mại, xây dựng cơ bản... tiếp tục được quan tâm đầu tư đúng mức. 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp tính theo giá cố định năm 1994 đạt 6,761 tỷ đồng, bằng 126,1% so cùng kỳ năm trước. Ngành thương mại duy trì hoạt động ổn định, cung cấp đa dạng các dịch vụ hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Theo thống kê, toàn huyện hiện có 59 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã và hơn 1.725 hộ kinh doanh cá thể đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của địa phương.
Một góc Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Lê Hòa |
Tổng thu ngân sách trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2014 đạt 11, 468 tỷ đồng; chi ngân sách đạt 143,524 tỷ đồng, đạt 54,7% kế hoạch, bằng 114,6% so với cùng kỳ năm trước. Công tác đào tạo nghề cho người lao động được tích cực triển khai nhằm góp phần tạo ra đội ngũ lao động có trình độ, tay nghề cao. Từ đầu năm đến nay, huyện đã triển khai đào tạo nghề cho 568 học viên, trong đó: hệ sơ cấp 99/300 học viên, đào tạo nghề nông nghiệp nông thôn (trồng, chăm sóc, cạo mủ cao su, trồng cà phê, trồng hồ tiêu) cho 160/300 học viên. Đến nay, đã hoàn thành 1 khóa đào tạo trồng cà phê tại xã Ia Kriêng cấp chứng chỉ nghề cho 35 học viên tham gia và đang triển khai 2 lớp đào tạo trồng cà phê, 2 lớp đào tạo trồng hồ tiêu tại 2 xã Ia Kriêng và Ia Krêl với tổng số 125 học viên tham gia. Bên cạnh đó, lĩnh vực đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn cũng đã tổ chức được 6 lớp với 179 học viên tham gia...
“Giáo dục là quốc sách”
Giáo dục luôn là lĩnh vực được địa phương ưu tiên chú trọng hàng đầu. Từ nhiều nguồn vốn: các chương trình mục tiêu, dự án triển khai nâng cao chất lượng dạy và học... đã góp phần không nhỏ trong việc hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu dạy và học. Năm học 2013-2014, toàn huyện có 50 trường với 21.136 học sinh ở các cấp học, tăng 713 em so với năm học trước. Tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh đạt 98,6%.
Công viên Đức Cơ. Ảnh: Lê Hòa |
Kết quả xét tốt nghiệp ở bậc Tiểu học đạt 99,93%; bậc THCS đạt 98,63%. Kết quả thi tốt nghiệp THPT có 644/647 em đạt tốt nghiệp, đạt 99,54% (tăng 1,73% so với kỳ thi năm trước). Ở hệ Giáo dục Thường xuyên có 56/74 học viên đạt tốt nghiệp, đạt 75,7%.
Tham gia thi học sinh giỏi cấp tỉnh các môn văn hóa lớp 9, đã có 9 em đạt giải ba, 6 em đạt giải khuyến khích. Ngoài ra, ở nhiều sân chơi trí tuệ khác các em đã rất nhiệt tình tham gia, tạo nên phong trào học tập, thi đua sôi nổi: Cuộc thi Toán qua mạng với 270 học sinh tham gia, đạt 100 giải; cuộc thi tiếng Anh qua internet với 179 học sinh tham gia, đạt 85 giải...
Bên cạnh đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, các chương trình hỗ trợ của Chính phủ như: cấp phát gạo cho học sinh bán trú theo Quyết định 36… cũng được triển khai nghiêm túc, kịp thời. Kết quả, huyện đã cấp phát 158,745 tấn gạo cho 1.191 học sinh bán trú thuộc diện được trợ cấp, giúp các em có thêm điều kiện để bám trường, bám lớp. Ngoài ra, còn tổ chức trao Học bổng Nay Der cho 70 học sinh đạt giải nhất, nhì, ba cấp tỉnh và học sinh giỏi con hộ nghèo (mỗi suất 1 triệu đồng); trao 6 xe đạp cho 6 học sinh dân tộc thiểu số ở các trường từ “Quỹ chung một tấm lòng” do Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh tài trợ…
Có thể nói, bằng nhiều chính sách khác nhau và sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng vì tương lai con em, lĩnh vực giáo dục huyện nhà đã và đang ngày càng gặt hái thêm nhiều thắng lợi. Đây là tiền đề quan trọng góp phần tạo nên những thế hệ kế cận để góp tài, góp sức cho sự phát triển của địa phương trong tương lai.
Lê Hòa