Thời sự - Bình luận

Đừng đẩy việc lên Thủ tướng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dòng vốn FDI đang dịch chuyển, VN là một trong những đích đến. Nhưng từ tiềm năng đến việc được chọn là bài toán lợi ích được các nhà đầu tư cân đong chi li và thực dụng. Muốn khách đến, nhà phải thông thoáng.

 

 Khu ký túc xá của một doanh nghiệp có vốn đầu tư tỉ USD vào VN - Ảnh: S.S
Khu ký túc xá của một doanh nghiệp có vốn đầu tư tỉ USD vào VN - Ảnh: S.S



Thủ tướng đã lập tổ công tác đặc biệt đón sóng chuyển dịch đầu tư. Điều này cho thấy VN đã chú trọng việc tận dụng thời cơ.

Tuy nhiên, để tận dụng tốt, bên cạnh việc tiếp cận để "đón sóng" thì việc tổ chức trong nội bộ để giảm thiểu rủi ro, thủ tục hành chính và tối đa hóa lợi ích của nhà đầu tư sẽ là nhân tố quyết định.

Thực tế, trong báo cáo môi trường kinh doanh 2020 của Ngân hàng Thế giới (WB), trong 190 nền kinh tế được đánh giá, VN đứng thứ 70. Trong khu vực Đông Nam Á, xếp hạng môi trường kinh doanh của VN nằm ở khoảng giữa, sau rất xa Singapore (số 2), Malaysia (thứ 12), Thái Lan (số 21)...

Vì vậy, dự thảo Luật đầu tư sửa đổi đang nhận được sự quan tâm lớn vì có tác động sâu rộng. Chúng ta kỳ vọng có sự đột phá vì để rút ngắn khoảng cách kể trên, những giải pháp thông thường khó mà tạo ra thay đổi lớn.

Đơn cử, trong rất nhiều vấn đề được đẩy lên Thủ tướng, phải chăng nên xem lại quy định của dự luật, quy định: Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án có quy mô vốn đầu tư từ 10.000 tỉ đồng trở lên. Luật đầu tư ban hành lần đầu năm 2005 không có điều khoản này.

Nếu phải Thủ tướng thông qua với quy trình khá dài trong nghị định 118 có cần thiết không? Nếu vốn đầu tư công có thể được. Nhưng với quy định trên, vốn FDI, thậm chí vốn tư nhân... cũng sẽ phải trình qua hàng loạt khâu.

Trong khi đó, các nhà đầu tư FDI và tư nhân trước khi làm họ đã tính toán rất kỹ, và cũng đã phải qua hàng loạt xem xét về quy hoạch, môi trường ở cấp địa phương và Bộ Kế hoạch - đầu tư rồi...

Không nên cái gì to to cũng đẩy lên Thủ tướng. Tinh thần phân cấp cần thể hiện mạnh mẽ và đổi mới hơn nữa, gắn với phân quyền nhiều hơn cho chính quyền địa phương, thay tiền kiểm bằng hậu kiểm, để vượt qua những rào cản không cần thiết về các thủ tục, quy trình.

Hơn nữa, chúng ta đặt ra những quy định tưởng chặt, nhưng dễ dàng bị vượt qua. Ví dụ đặt ra dự án 10.000 tỉ đồng phải Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư thì người ta dễ dàng chia nhỏ dự án ra.

Trước đây, khi chúng ta không ưu đãi dự án mở rộng, đã có nhà đầu tư rất lớn thay vì làm một dự án, phải tách ra lập công ty mới, với dự án mới, để được hưởng ưu đãi. Họ chỉ phải đi đường vòng.

Trong khi đó, các quy trình về thủ tục khiến phải đi vòng có thể sẽ là điểm trừ khiến nhà đầu tư nản chí, bỏ qua điểm đến VN ngay từ khi tìm hiểu môi trường đầu tư.

Để tận dụng dòng vốn đầu tư đang có khả năng rút khỏi Trung Quốc, VN cần nghiên cứu chính các đối thủ cạnh tranh của mình, cũng như thị trường Trung Quốc.

Chỉ khi chúng ta vượt lên, làm tốt hơn chính các đối thủ cạnh tranh thì mới có thể tận dụng, chiến thắng trong cuộc đua thu hút dòng vốn đang dịch chuyển mạnh.

Nếu cứ theo quy trình, thủ tục cũ của một nước ở thứ hạng 70 thì rất có thể chúng ta sẽ bị vượt qua. Bởi các nước đang đứng trước VN cũng đang cải cách và tiến lên, cũng muốn chớp thời cơ.

Chúng ta kỳ vọng các vị đại biểu Quốc hội quyết liệt cho mục tiêu quan trọng khi sửa đổi Luật đầu tư là nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí và thủ tục hành chính cũng như đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, tăng cường hậu kiểm...

 

TS ĐẶNG DUY ANH
(Dẫn nguồn theo TTO)

Có thể bạn quan tâm