TN - Đất & Người

Dựng nêu đón Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Những năm gần đây, hoạt động dựng nêu đón Tết trở thành điểm nhấn nổi bật của nhiều hộ dân ở xã Ia Chim, thành phố Kon Tum mỗi khi Tết đến, Xuân về.

Những cây nêu cao vút, rực rỡ đèn màu được xem như là trục của vũ trụ, cột nối giữa trời với đất, với ý nghĩa giúp gia chủ đón Tết bình an, vui vẻ, may mắn.

Còn 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng cả mấy ngày liền, ông Nguyễn Hữu Nhân, thôn Nghĩa An, xã Ia Chim đã cùng một số hộ trong thôn đi tìm đặt mua cây tre để dành làm nêu đón tết. Ông nói rằng, gần tết, nhiều người sẽ đi tìm chọn mua tre làm nêu nên sẽ khó kiếm được cây đẹp. Do đó, ông phải tranh thủ đi sớm, vào các làng đồng bào DTTS tìm, chọn mua trước để có cây tre ưng ý.

Theo lời ông Nhân, cây nêu phải làm bằng tre, vì tre có đốt, với ý nghĩa như bậc thang đi về của các vị thần, từ đó, mang sinh khí xuống mặt đất, giúp mùa màng tốt tươi. Tâm huyết với việc dựng nêu nên ông cẩn thận chọn cây tre già, to, thẳng và phần ngọn còn nhiều lá tươi, có độ cong. Năm nào cũng vậy, ông Nhân tìm mua, đặt cọc trước rồi gần đến ngày dựng nêu sẽ đi chặt, chuyển cây về nhà.

Cây nêu cao vút được người xưa xem là trục vũ trụ, là cột nối giữa trời và đất. Ảnh: HT

Cây nêu cao vút được người xưa xem là trục vũ trụ, là cột nối giữa trời và đất. Ảnh: HT

Ngồi kể chuyện, ông bảo, mình sinh ra ở Nghệ An, từ nhỏ đã quen thuộc với hình ảnh dựng nêu đón tết nên ông cũng có kỹ năng làm nêu. Khi vào Kon Tum lập nghiệp, ít ai dựng nêu nên ông không làm. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, thấy việc dựng nêu mang nhiều ý nghĩa, vừa đẹp lại có không khí Tết, ông liền bỏ công ra làm. “Năm ngoái, ở xóm cũng có 5-6 hộ làm. Đêm lại, đèn điện trên nêu rực rỡ, nhìn đường sá đẹp hẳn” - ông Nhân phấn khởi kể.

Cũng như ông Nhân, từ 3 năm nay, cứ mỗi độ gần Tết Nguyên đán, ông Lê Viết Cường, thôn Nghĩa An, xã Ia Chim lại rộn ràng chuẩn bị làm nêu. Năm đầu tiên, chưa có kinh nghiệm, việc làm nêu và dựng nêu tốn nhiều thời gian, nhưng bây giờ, ông Cường đã có kinh nghiệm nên làm rất nhanh và bài bản.

Mỗi gia đình sẽ có cách làm nêu khác nhau. Có hộ đơn giản chỉ cần dựng cây tre trước sân, treo lá cờ Tổ quốc lên trên là xong. Nhưng cũng có hộ muốn đẹp, treo thêm lồng đèn và quấn đèn led xung quanh cây. “Đèn nháy, lồng đèn mua năm đầu tiên rồi các năm sau dùng lại, có hư hỏng thì mới thay. Còn cây nêu, nhà nào có tre thì tự chặt, không thì mua. Nhìn chung, chỉ mất chi phí mua các vật dụng trong năm đầu” – ông Cường cho biết.

Là hộ gia đình trẻ nhưng gia đình anh Phạm Tiến Dũng - thôn Tân An, xã Ia Chim- là hộ khởi xướng dựng nêu đầu tiên ở thôn Tân An. Anh Dũng nói rằng, qua tìm hiểu, thấy việc dựng nêu có nhiều ý nghĩa nên 2 năm về trước, anh đi xin tre về, trang trí, làm nêu một cách bài bản.

“Năm đầu tiên chỉ có 2 nhà làm, bây giờ, ở xóm có thêm nhiều hộ gia đình cùng làm. Lúc dựng nêu, mọi người cùng nhau phụ và khi hạ nêu, mọi người cũng chung sức. Qua việc dựng nêu, cảm nhận rõ không khí tết cũng như sự đoàn kết của bà con xóm giềng” - anh Dũng chia sẻ.

Có đến mới cảm nhận được không khí phấn khởi, hân hoan trong quá trình làm nêu. Không chỉ một hộ gia đình làm, khi nhà này làm nêu, người dân trong xóm, ai rảnh cũng ghé qua, phụ giúp.

Những đứa trẻ quanh xóm tập trung xem người lớn làm nêu. Ảnh: HT

Những đứa trẻ quanh xóm tập trung xem người lớn làm nêu. Ảnh: HT

Mọi người sẽ cùng dựng nêu vào ngày 23 tháng Chạp. Bởi, theo quan niệm từ ngày xưa, vào ngày này, người dân đưa ông Táo lên chầu trời, không có người quản lý nhà cửa nên quỷ sẽ hoành hành. Do đó, bà con dựng nêu để xua đuổi quỷ tránh xa vùng đất của con người ở. Sau khi đón tết xong, người dân cùng hạ nêu vào ngày mùng 7 tháng Giêng.

Ông Cường cho biết, theo quan niệm của cha ông, cây nêu được dựng dưới mặt đất thẳng lên trời với dụng ý vươn lên đón mùa Xuân, đón ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, cũng là biểu tượng để xua đuổi tà ma, giúp gia chủ đón tết bình an, vui vẻ, may mắn. Bởi thế, theo tục lệ từ xa xưa, trước khi dựng nêu cũng như khi hạ nêu, gia chủ sẽ cúng nêu. Ngày nay, việc cúng kính tùy vào mỗi gia đình.

Với ý nghĩa của việc dựng cây nêu, bắt đầu từ một vài hộ gia đình, bà con rủ nhau làm theo. Anh Nguyễn Đức Thịnh - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nghĩa An, xã Ia Chim, cho biết, năm ngoái, trong thôn có khoảng chục hộ làm nêu, năm nay, dự kiến sẽ đông hơn. “Tôi hay đến phụ giúp bà con làm nêu và dặn dò bà con phải đảm bảo an toàn khi quấn dây điện, khi dựng nêu. Nhìn chung, những năm trở lại đây, khi có nêu, con đường trong thôn đẹp hơn. Đặc biệt, ban đêm, những cây nêu rực rỡ, lấp lánh đèn nháy, làm nổi bật cả xóm, cả thôn” - anh Thịnh chia sẻ.

Mỗi cây nêu tết mang một vẻ đẹp riêng, tùy vào ý tưởng sáng tạo, sự khéo tay của từng người, từng nhà. Trong không khí hân hoan của những ngày tết, cây nêu thanh thoát, đẹp, sáng rực đèn màu đã tạo nên những cung đường lung linh, tuyệt đẹp. “Đi chúc tết, mọi người tự ngắm nhìn nêu rồi chấm điểm xem cây nêu nhà nào đẹp nhất. Những lời khen, những tiếng cười quanh gốc nêu cao cũng làm cho không khí thêm rộn ràng” - anh Thịnh phấn khởi.

Có thể bạn quan tâm