Kinh tế

Dược liệu: "Mỏ vàng" còn bí mật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Quyết định này chỉ dẫn rất cụ thể về những vùng dược liệu, phương án phát triển vùng dược liệu gắn với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đến bây giờ mới đặt nặng và đúng “trọng lượng” việc phát triển cây dược liệu trong nước thì đã hơi muộn. Nhưng muộn còn hơn không bởi nếu chậm trễ, có thể chúng ta sẽ mất một số cây dược liệu quý hiếm, mất theo kiểu mà chúng ta cũng không ngờ. Như ý kiến của một lãnh đạo Hội Đông y Gia Lai: “Người Trung Quốc khi mua mật nhân không thu mua vỏ thân mà chỉ thu mua vỏ rễ. Trong khi cây mật nhân trồng 30 năm mới thu hoạch thì thu mua vỏ rễ như vậy sẽ khiến dược liệu bị cạn kiệt. Chúng ta phải có kế hoạch cấp thiết để bảo vệ loài cây này; đồng thời phải có chính sách hỗ trợ để người dân trồng cây mật nhân bởi thời gian trồng quá lâu”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng triển lãm sâm Ngọc Linh. Ảnh: Minh Triều
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng triển lãm sâm Ngọc Linh. Ảnh: Minh Triều
Có một số loài cây dược liệu quý hiếm ở Việt Nam nói chung, Gia Lai nói riêng đang có nguy cơ bị cạn kiệt vì những lý do không dễ đoán định như vậy.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã có, những hướng đi phát triển cây dược liệu đã rõ nhưng đường hướng phát triển cụ thể lại còn tùy từng địa phương, từng vùng. Vì có những loài cây dược liệu phải trồng đúng khu vực đất phù hợp mới cho dược tính tốt, trồng chỗ không phù hợp thì dược tính sẽ kém đi rất nhiều. Và phải trồng đúng bao nhiêu năm mới được khai thác, vội vàng là hỏng việc. Bây giờ, khoa học hiện đại không khó để định tính, định chất dược liệu. Vì vậy, việc đầu tiên khi triển khai trồng dược liệu là phải chọn vùng đất phù hợp. Việc thứ hai là chăm sóc phải đúng quy trình phù hợp với tự nhiên, không dùng bất cứ hóa chất hoặc phân bón hóa học nào gây hại đến chất lượng dược liệu. Việc thứ ba là phải có quy hoạch tổng thể phát triển cây dược liệu trên địa bàn, có hướng dẫn về cho thuê môi trường rừng để phát triển cây dược liệu. Để giúp người dân ở khu vực rừng đệm chủ động phát triển cây dược liệu, hạn chế vào các khu rừng đặc dụng khai thác thì cũng phải có sự hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, tạo điều kiện xây dựng các nhà máy liên kết với các nơi tiêu thụ sản phẩm.
Tóm lại, muốn phát triển và khai thác tốt cây dược liệu không chỉ cần chủ trương mà còn cần những biện pháp cụ thể; không chỉ cần đặt chỉ tiêu mà phải đặt những yêu cầu cụ thể. Như chuyện cho thuê môi trường rừng, nói chung chung thì dễ, nhưng thực tế thực hiện lại nảy sinh nhiều vấn đề phải giải quyết. Nhất là không để từ quyết định cho thuê “môi trường rừng” dẫn tới việc lạm dụng hay lấy chuyện trồng dược liệu làm “vỏ bọc” để thuê môi trường rừng làm việc khác.
Gia Lai là tỉnh rất có tiềm năng về cây dược liệu. Trong thực tế đã có một số địa phương của tỉnh triển khai trồng và khai thác dược liệu, nhưng vẫn rất cần một quy hoạch không chỉ tổng thể mà phải hết sức chi tiết cho chiến lược lớn về lĩnh vực này. Khi xác định một số cây dược liệu chủ chốt thì phải tìm ngay được “đầu ra” cho sản phẩm này, bảo đảm thu nhập tốt để người trồng, chăm sóc và khai thác dược liệu không chỉ thoát nghèo mà còn trở nên giàu có hoặc khá giả. Dược liệu đầu tiên là “của trời cho”, nhưng khi tới tay người thì phải biết gìn giữ, chăm sóc, thu hái thế nào để dẫn tới chế biến thành các loại thuốc trị bệnh hay các loại thực phẩm chức năng phục vụ cho sức khỏe nhân dân. Bắt đầu từ nhân dân và cũng kết thúc với nhân dân, đó là con đường phát triển của dược liệu. Quý ít hay quý nhiều là ở bàn tay và trí tuệ con người.
Người ta hay nói “Việt Nam đang sống trên kho thuốc tự nhiên mà không biết”. Đúng thế thật. Nhưng để biết đã khó, để biến “kho thuốc” tiềm năng ấy thành những gói thuốc thực tế chữa bệnh cứu người thì con đường thật sự không dễ dàng. Ở đây rất cần không chỉ là những doanh nghiệp khai thác, chế biến dược liệu mà cả những phòng thí nghiệm khoa học nghiên cứu và tìm ra những tinh chất quý báu còn ẩn giấu của dược liệu. Có thể bản đồ dược liệu sẽ còn thay đổi, chính từ phát hiện, phát minh sáng chế của những phòng thí nghiệm này. Cũng như sẽ có những loại dược liệu nhờ phòng thí nghiệm nghiên cứu mà “lên đời” từ thông thường trở thành rất quý báu khi được đưa vào sử dụng có hiệu quả thần diệu. 
Tin vào những tiềm năng sâu thẳm của đất nước mình nhiều khi đồng nghĩa với niềm tin vào tiềm năng của “kho dược liệu” còn mọc hoang sơ hay mới được gieo trồng. Nhưng cho tới khi nào Việt Nam xuất khẩu thành phẩm từ dược liệu của mình, mà kim ngạch còn lớn hơn xuất khẩu dầu thô, thì chừng đó chúng ta mới có thể nói rằng mình đã bắt đầu am hiểu tiềm năng của đất nước.    
 THANH THẢO

Có thể bạn quan tâm