Pháp luật

Tin tức

Tư vấn pháp luật

Được lĩnh trợ cấp xã hội từ khi có quyết định và không được truy lĩnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông Phạm Văn Lịch, thôn 2, xã Kim Tân, huyện Ia Pa hỏi: Thủ tục để người cao tuổi (85 tuổi trở lên) đề nghị được hưởng trợ cấp xã hội làm như thế nào? Các đối tượng có được truy lĩnh hưởng chế độ này từ năm 2007 không?

Theo khoản 3 điều 4 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13-4-2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội thì người 85 tuổi trở lên không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội thuộc diện bảo trợ xã hội hàng tháng do xã, phường, thị trấn quản lý. Đồng thời, theo khoản 2 điều 7 của Nghị định này thì mức trợ cấp xã hội cho các cụ là 120.000 đồng/tháng.

Theo Mục III điểm 1 và 2 Thông tư số 09/2007/TT-BLĐTB&XH ngày 13-7-2007 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội hướng dẫn Nghị định số 67/2007/NĐ-CP thì hồ sơ hưởng trợ cấp thường xuyên gồm: Đơn đề nghị của các cụ hoặc gia đình, người thân có xác nhận của trưởng thôn, bản, làng, tổ dân phố và UBND xã nơi các cụ cư trú (có mẫu); sơ yếu lý lịch có xác nhận của UBND cấp xã. Bộ hồ sơ này gửi cho UBND cấp xã nơi cư trú. Trong thời gian 7 ngày làm việc, UBND xã có trách nhiệm thẩm định hồ sơ. Trường hợp đủ tiêu chuẩn thì niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng của xã (nếu có) về trích yếu của đối tượng, nội dung chế độ trợ cấp đề nghị được hưởng. Sau 30 ngày kể từ ngày niêm yết công khai, nếu không có ý kiến thắc mắc, khiếu nại của nhân dân thì UBND cấp xã hoàn thiện hồ sơ gửi Phòng Nội vụ- Lao động- Thương binh và Xã hội cấp huyện trình chủ tịch UBND cấp huyện ra quyết định trong thời gian 10 ngày.

Trường hợp không đủ tiêu chuẩn hoặc có thắc mắc, khiếu nại thì UBND xã có trách nhiệm thẩm tra, thành lập Hội đồng xét duyệt trả lời cho công dân.

Công dân được hưởng trợ cấp xã hội kể từ khi có quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện và không được truy lĩnh.
Luật gia Lê Văn Nhung

Có thể bạn quan tâm