Liên quan đến vấn đề này, P.V Báo Gia Lai có cuộc trao đổi với nhà hoạch định Phạm Thanh Tùng-Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Du lịch nông nghiệp, đồng thời là chuyên gia hàng đầu về farmstay cũng như tư vấn hoạch định phát triển vùng đất.
* P.V: Theo ông, Gia Lai có thế mạnh nổi bật nào để có thể định vị bản sắc trên bản đồ du lịch nông nghiệp cả nước?
Nhà hoạch định Phạm Thanh Tùng. Ảnh: NVCC
- Nhà hoạch định Phạm Thanh Tùng: Tây Nguyên là vùng đất nông nghiệp có nguồn lực và giá trị rất đặc biệt. Tỉnh nào trong khu vực này cũng có tiềm năng, cơ sở vững chắc để phát triển du lịch nông nghiệp gắn với địa thế, địa hình rất độc đáo.
Trong đó, Gia Lai có những thế mạnh nổi bật không chỉ trong khu vực mà cả nước. Diện tích Gia Lai đứng thứ 2 cả nước sau Nghệ An, nhưng vùng đất này lại ít đồi núi hơn và có diện tích đất nông nghiệp lớn hơn, do đó biên độ phát triển nông nghiệp rất lớn.
Gia Lai còn là “vùng đất núi lửa”. Sinh cảnh và địa chất núi lửa ở đây là điểm rất độc đáo. Theo đó, tỉnh nên định vị hồ và núi lửa kết hợp phát triển du lịch và nông nghiệp, lấy đó làm bản sắc riêng cho bức tranh du lịch nông nghiệp.
Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, vùng đất nào cũng có sự trù phú và tri thức bản địa riêng, độc đáo. Gia Lai cần xác định cái riêng để tập trung đầu tư thay vì làm dàn trải mới định vị được bản sắc riêng trên bản đồ du lịch nông nghiệp quốc gia.
* P.V: Chủ thể của du lịch nông nghiệp chính là nông dân. Để phát triển du lịch nông nghiệp, bà con nông dân phải làm gì?
- Nhà hoạch định Phạm Thanh Tùng: Du lịch nông nghiệp khá mới mẻ với người nông dân Việt Nam chứ không riêng Gia Lai. Để tránh việc bà con làm tự phát, về cơ bản nên có giáo dục phủ rộng cho những người đi theo hướng phát triển thêm dịch vụ trên đất nông nghiệp.
Cần định hướng cho người nông dân cách làm nông nghiệp bền vững, không phá vỡ thiên nhiên. Đồng thời, giúp họ hiểu bản chất thực sự của du lịch nông nghiệp, đó là không nằm ở việc đầu tư quá nhiều vào cơ sở vật chất, mà phải tập trung tạo ra trải nghiệm sâu về mặt nông nghiệp. Điều đó mới quyết định giá trị của loại hình này.
Trong mô hình du lịch nông nghiệp, quan trọng nhất không phải là phần lưu trú, nghỉ dưỡng mà “linh hồn” của nó là hoạt động trải nghiệm. Đó là trải nghiệm việc cày cuốc, làm ra sản phẩm, ăn uống như người nông dân, sinh sống trong không gian nông thôn.
Nhiều địa phương trong cả nước nôn nóng phát triển du lịch nông nghiệp, người dân tập trung đầu tư vào cơ sở vật chất thay vì đầu tư vào giá trị cốt lõi là trải nghiệm sâu về nông nghiệp. Đó là sai lầm chung cần tránh để giúp người nông dân đỡ mất thời gian và tiền bạc.
Khách quốc tế trải nghiệm đời sống nông nghiệp trong một farmstay tại Gia Lai. Ảnh: Phương Duyên |
* P.V: Mô hình farmstay được xem là sản phẩm gắn liền với du lịch nông nghiệp. Nhưng đây cũng là loại hình kinh doanh rất mới, chưa có những quy định, tiêu chuẩn cụ thể. Vậy làm thế nào để người dân có thể xây dựng mô hình kinh doanh này phù hợp ngay từ đầu, không mất thời gian “rút kinh nghiệm”?
- Nhà hoạch định Phạm Thanh Tùng: Chúng ta nên hiểu farmstay theo định nghĩa chung: “Farmstay là một chỗ ở trong trang trại đang hoạt động”. Nghĩa là trang trại phải có hoạt động sản xuất nông nghiệp, có sản phẩm nông sản rồi sau đó mới “vịn” vào những cái đã có này để phát triển thêm dịch vụ, tạo chỗ nghỉ lại cho du khách muốn trải nghiệm hoạt động làm nông. Trang trại sản xuất nông sản gì thì cho khách trải nghiệm chính cái đó.
Chúng ta cần hiểu định nghĩa farmstay mang tính toàn cầu là gì và vận hành theo chứ không nên đặt ra những định nghĩa riêng trong quốc gia. Bởi đây là mô hình kinh doanh đầy tiềm năng cho khách quốc tế chứ không chỉ cho khách Việt.
Người dân khi kinh doanh farmstay cần tuân theo 2 bước: hiểu đúng về lý thuyết sau đó bắt tay làm, nhanh nhất là tham quan các mô hình thành công để học hỏi. Khi đã hiểu đúng lý thuyết, họ có điều kiện đánh giá mô hình này, mô hình kia đúng được bao nhiêu phần trăm và đang sai chỗ nào. Ở Việt Nam hiện chưa có nhiều farmstay phát triển chuẩn chỉnh, do đó, muốn học hỏi các mô hình này cần phải hiểu đúng để áp dụng.
Như vậy, về mặt bản chất của du lịch nông nghiệp, kinh doanh farmstay, người dân phải tạo ra trải nghiệm nông nghiệp rất sâu, giúp du khách được sống đời sống nông dân, trải nghiệm các công việc hàng ngày như cuốc đất, trồng rau, tận hưởng không gian yên tĩnh của nông thôn.
Họ phải được tham gia vào các hoạt động của nông trại và hiểu nguyên lý của sản xuất nông nghiệp. Nó giống như một khóa học mini trong vòng 1 ngày để được trải nghiệm đời sống của người nông dân thực thụ. Phải tạo ra những trải nghiệm có tính kịch bản sâu sắc như vậy mới tạo ra được tour du lịch nông nghiệp, trải nghiệm trên farmstay mới tốt.
Điều này cũng phù hợp với điều kiện của người nông dân hiện nay. Đó là họ giàu tri thức, kỹ năng sản xuất nông nghiệp mà yếu về dịch vụ. Vậy nếu là một nông dân không có nhiều tiền, tôi khuyên đừng cố đón nhiều khách, cũng không cần phải dựng nên nhiều nhà lưu trú. Chỉ cần đón 1-2 gia đình là những khách hàng mua nông sản của farm.
Đưa khách tới ở farm theo kiểu anh mua 30 kg bơ của vườn nhà tôi thì anh được lên thăm, ở miễn phí. Mình cứ đón khách như vậy thì cái được là thông qua du lịch, có thể bán sản phẩm nông nghiệp, “xuất khẩu” nông sản tại chỗ, lan tỏa nhiều giá trị văn hóa khác tại địa phương… Đừng vội nghĩ đến những mô hình lớn, không vừa sức mà hãy bắt đầu từ chính những cái mình có trước. Từ đó mới dần dần hình thành chuỗi giá trị cho du lịch nông nghiệp.
* P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi thú vị này!