Kinh tế

Đường đến hội nhập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai được thiên nhiên ưu đãi với nhiều sản vật nổi tiếng như: hồ tiêu Chư Sê, gạo Phú Thiện, bò một nắng Krông Pa, mật ong Gia Lai… Vậy nhưng, ngoại trừ hồ tiêu Chư Sê, hầu hết những nông sản khác việc xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu mang tên miền vẫn chưa thực sự được quan tâm.

Xây dựng phải đi đôi với bảo hộ

Có dịp về Phú Thiện, hẳn không ít người sẽ có cảm giác như mình đang lạc về đồng bằng Bắc bộ, bởi ở đây có những cánh đồng lúa nước “cò bay thẳng cánh”. Với hơn 6.500 ha lúa nước, Phú Thiện trở thành vựa lúa của vùng đất cao nguyên, cho sản lượng hàng năm lên đến 90.000 tấn lúa, đạt năng suất bình quân từ 6,5 tấn đến 7 tấn/ha/vụ. Điều đáng nói là gạo Phú Thiện đặc biệt thơm, ngon nức tiếng bay xa khắp cả nước. Việc xây dựng thương hiệu gạo Phú Thiện đã được chính quyền địa phương quan tâm và triển khai khá tốt.

 

Chăm sóc vườn cà phê. Ảnh: Quang Vũ
Chăm sóc vườn cà phê. Ảnh: Quang Vũ

Thế nhưng, xây dựng thôi chưa đủ, để thương hiệu phát triển và đứng vững trên thương trường cần phải được bảo hộ bằng pháp lý. Theo thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai thì đến thời điểm này, Sở vẫn chưa nhận được hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gạo Phú Thiện. Điều đáng nói ở đây là không riêng gì gạo Phú Thiện mà có rất nhiều thương hiệu nông sản khác của Gia Lai như: cà phê Gia Lai, mật ong Gia Lai, bò một nắng Krông Pa, thuốc lá Krông Pa, hạt điều Ia Grai… cũng chưa thực hiện đăng ký nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý. Nếu có, thì mới dừng lại ở việc đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, tức là chỉ bảo hộ cho nhãn hiệu của một tổ chức, cá nhân nào đó mà không mang tính tập thể hay vùng địa lý nào cả.

Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý đối với các mặt hàng nông sản Gia Lai hầu như chưa thực sự được quan tâm. Trong khi lợi ích mà nó mang lại là rất lớn, không những tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm mà còn góp phần thúc đẩy, phát triển ngành nông nghiệp địa phương; đồng thời tránh được những tranh chấp không cần thiết như những trường hợp đã xảy ra trước đây, như vụ cà phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phú Quốc…

Đưa nông sản Gia Lai ra quốc tế

Có thể nói, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hồ tiêu Chư Sê đã góp phần nâng tầm sản phẩm nông nghiệp này lên một bước. Đó là sự thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và lợi ích mang lại thì quá rõ khi sản lượng xuất khẩu trực tiếp tăng cao, có nhiều đối tác lớn đến từ Mỹ, Nhật, châu Âu…

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, sự cạnh tranh không chỉ giữa các doanh nghiệp trong nước mà còn giữa các doanh nghiệp nước ngoài, nếu không tự hành động, bản thân các hộ sản xuất, doanh nghiệp nhỏ sẽ khó phát triển thị trường, khẳng định vị thế và tạo danh tiếng cho các nông sản đặc trưng của mình. Chính vì vậy, bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm thông qua các hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ như chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận… là việc làm cần thiết và không nên chậm trễ, nhằm khai thác sự nổi bật riêng biệt từ vùng sản xuất là một cách làm tốt đưa nông sản Gia Lai nói riêng, Việt Nam nói chung ra thế giới.

Theo ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa thì trên địa bàn huyện Krông Pa hiện có hơn 2.000 ha thuốc lá, cho sản lượng 3.500 tấn đến 4.000 tấn/năm, thu về hàng năm lên đến 100 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách từ 4 tỷ đồng đến 5 tỷ mỗi năm. Đây là loại cây nông nghiệp có giá trị kinh tế cao và mang lại nguồn thu nhập cho nông dân. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà con nông dân cũng như tăng giá trị kinh tế của sản phẩm, huyện đã tiến hành dự án “Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể thuốc lá Krông Pa”. Tuy nhiên, do vướng một số quy định của Nhà nước nên đến nay việc bảo hộ nhãn hiệu tập thể vẫn chưa được tỉnh thông qua.

“Mong muốn của huyện là sớm được tạo điều kiện để có thể hoàn tất các hồ sơ, thủ tục về việc đăng ký bảo hộ thương hiệu tập thể thuốc lá Krông Pa. Bởi, chất lượng cây thuốc lá ở Krông Pa có chỉ tiêu tốt hơn nhiều vùng đất khác như: hàm lượng nicotin ít nên tính nguy hại cho sức khỏe ít hơn; màu sắc, hương vị và độ cháy tốt hơn…. Nếu dự án này thành công, huyện sẽ tiếp tục triển khai việc đăng ký nhãn hiệu tập thể đối với bò một nắng Krông Pa. Đây cũng là một trong những đặc sản nổi tiếng của huyện nhờ nguồn nguyên liệu dồi dào với đàn bò trên 56.000 con”-ông Đinh Xuân Duyên chia sẻ.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm