Đối tượng Lý Thị Loan tức Loan "cá" và Nguyễn Xuân Đường tức Đường "Nhuệ". Ảnh Hà Anh Chiến. PV
Đường “Nhuệ”, Quang “con”, Loan “cá”, Quảng “ke”… là những kẻ được cho là cầm đầu các nhóm giang hồ thu tiền bảo kê tại Thái Bình, Nam Định, Đồng Nai, Đà Nẵng. Hiển nhiên, đó là loại chi phí “không chính thức”. Và trong báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) mới được công bố, cái gọi là “chi phí không chính thức” cũng là một nỗi ám ảnh, gánh nặng ghê gớm cho doanh nghiệp.
“Ăn trên cả xác người chết” là cách mà nhiều người dùng để nói về hành động bảo kê của băng nhóm giang hồ Đường “Nhuệ” và Quang “con”. Tại Thái Bình, Nam Định cơ sở dịch vụ tang lễ phải nộp cho nhóm Nguyễn Xuân Đường tức Đường “Nhuệ”, và Nguyễn Hữu Quang tức Quang “con” mỗi ca hoả táng là 500.000 đồng để được yên ổn làm ăn. Chi phí không chính thức này được tính vào giá dịch vụ và thực chất gia đình người có tang lễ phải chịu.
Còn tại Biên Hoà (Đồng Nai), khi Lý Thị Loan tức Loan “cá” bị cơ quan công an bắt giữ thì nhiều người ngỡ ngàng nhận ra khoản phí không chính thức mà nhóm giang hồ này bắt mỗi tiểu thương phải nộp là quá lớn. Dù chỉ 20.000-50.000 đồng/ngày nhưng cả tháng thì con số đã lên tới 1 triệu đến 1,5 triệu đồng. Nói như một nạn nhân của Loan “cá” thì cả tháng lãi 3 triệu nhưng đã bị thu tới 1,5 triệu để được bán ở chợ tạm. Chi phí không chính thức đã chiếm tới 50% khoản lãi.
Cũng là một con số liên quan đến chi phí không chính thức, con số mà chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2019 mới công bố cho thấy chỉ riêng lĩnh vực cấp phép xây dựng năm 2019 thì đã có 48% doanh nghiệp đã phải trả “chi phí không chính thức” với mức trung bình 24 triệu đồng chỉ để có giấy phép.
“Quan trọng là, các con số này có thể chưa phản ánh đúng mức chi phí thực tế, bởi chưa tính đến các doanh nghiệp FDI đã bỏ qua việc xin cấp giấy phép xây dựng do lo ngại phải mất thêm chi phí không chính thức. Có nguy cơ rõ ràng, những loại tham nhũng này có thể khiến các doanh nghiệp đang hoạt động từ bỏ ý định mở rộng sản xuất kinh doanh” bản thuyết minh PCI chỉ rõ.
Điểm chung của các tiểu thương chợ tạm với các doanh nghiệp muốn có giấy phép ở Việt Nam chính là việc chấp nhận bỏ ra những khoản chi phí không chính thức để được làm ăn yên ổn, được việc, không bị quấy nhiễu, phiền hà.
Song cũng lại là một con số khác cho thấy, riêng với các doanh nghiệp thì với câu hỏi: “Công việc có đạt được kết quả mong đợi sau khi đã trả chi phí không chính thức?" thì có tới 60% doanh nghiệp phản ánh là quan chức nhận “chi phí không chính thức” và giúp doanh nghiệp có kết quả mong đợi.
Điều đáng nói các đối tượng bị bảo kê dịch vụ tang lễ, bảo kê chợ tạm hay các doanh nghiệp phải chi phí ngầm để được việc lại coi “chi phí không chính thức” như một khoản phải chấp nhận.
Dẹp loạn giang hồ, bảo kê chính là tạo ra môi trường kinh doanh an toàn nhưng để triệt hẳn cái gọi là chi phí không chính thức mà các doanh nghiệp đang phải chịu thì nó phải đến từ hai phía: doanh nghiệp nói “không” với với “đưa” và quan chức nói không với “nhận”.
Bởi, đã có dấu hiệu “bảo kê” cho các hiện tượng “bảo kê”. Nếu không làm rõ thì “chi phí không chính thức” sẽ vẫn là gánh nặng, nỗi ám ảnh và tạo môi trường cho cả tham nhũng vặt lẫn tham nhũng quốc doanh.
LINH ANH (LĐO)