Đây là cơ sở để Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án này tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, dự kiến khai mạc vào ngày 21-10 tới đây.
Trước đó, Bộ Chính trị đã kết luận dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam là công trình rất quan trọng và cấp thiết, góp phần hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng về đầu tư phát triển hạ tầng trong chiến lược phát triển đất nước theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và triển khai các quy hoạch quốc gia.
Theo Bộ GTVT, trong giai đoạn sắp tới, ngành đường sắt sẽ được ưu tiên đặc biệt, chiếm tới hơn 70% vốn đầu tư cho toàn bộ hạ tầng giao thông quốc gia. Cụ thể, tổng vốn đầu tư cho đường sắt đến năm 2030 là khoảng 151,2 tỷ USD. Đến năm 2050, con số này là khoảng 312 tỷ USD. Trong đó, phần lớn nguồn vốn sẽ dành cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Sự quan tâm này đang tạo ra những bước tiến rất quan trọng cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, sau gần 20 năm thai nghén. Đầu năm 2023, khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam mới có cơ sở để đẩy nhanh tiến độ triển khai. Ngay sau đó, dự án đã được rốt ráo nghiên cứu, chuẩn bị, đến nay đã cơ bản thành hình hài với việc lựa chọn tốc độ tối đa 350km/giờ, chiều dài 1.541km, khổ rộng 1.435mmm, phấn đấu hoàn thành năm 2035.
Cũng có ý kiến cho rằng đầu tư cho đường sắt thời điểm này đã hơi muộn, bởi nhiều nước phát triển đã mạnh tay đầu tư cho đường sắt. Trong khu vực, Indonesia, Lào đã có đường sắt tốc độ cao, Thái Lan đang triển khai. Tuy nhiên, có nhiều lý do Chính phủ chọn thời điểm này để quyết tâm đầu tư, đó là khi các chỉ số của nền kinh tế, trần nợ công đã trong tầm kiểm soát.
Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam vận tốc 350 km/giờ, phấn đấu hoàn thành năm 2035
Bộ Xây dựng ủng hộ xây đường sắt cao tốc Bắc-Nam hơn 70 tỷ USD, tốc độ 350 km/h
Với hình thái đất nước trải theo chiều dài, khoảng 85% dân số và 90% tổng sản phẩm quốc nội tập trung ở hai đầu Bắc - Nam, tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ là bước ngoặt trong phát triển giao thông, không chỉ đáp ứng nhu cầu kết nối nhanh mà còn kéo giảm chi phí logistics, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ và bền vững. Hơn thế nữa, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cùng với các dự án sắp được xây dựng như tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ, TPHCM - Tây Ninh, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng… sẽ hình thành mạng lưới đường sắt hiện đại kết nối với tuyến đường sắt liên vận quốc tế, nối thông 28 nước quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác đường sắt quốc tế (OSZD), trải rộng từ Đông Á sang Trung Á, tới châu Âu… mở ra một thị trường rộng lớn.
Là một dự án quy mô lớn, chắc chắn sẽ có rất nhiều khó khăn, thách thức phát sinh. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của Đảng, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương liên quan, dự án hoàn toàn có thể đạt mục tiêu đề ra. Đầu tư cho đường sắt tốc độ cao là tất yếu. Vấn đề là dự án được nghiên cứu, chuẩn bị một cách chất lượng, đúc rút kinh nghiệm từ việc đầu tư các dự án đường sắt đô thị để đẩy nhanh tiến độ. Chúng ta khởi hành chậm hơn thì phải đi nhanh hơn. Hy vọng, đến năm 2035 chúng ta sẽ thực hiện được giấc mơ “sáng ăn phở Hà Nội, trưa cà phê TPHCM” bằng đường sắt tốc độ cao.
Theo MINH DUY (SGGPO)