(GLO)- Hoàng hôn tím thẫm chân trời phía Tây. Ngồi xuống bậc thềm rêu phong của chùa Minh Thành-một kiến trúc tâm linh vô cùng độc đáo ở Pleiku, du khách sẽ bắt trọn khoảnh khắc đẹp đẽ huy hoàng của tà huy cuối ngày. Một ngày xáo trộn bỗng lắng lại trong tâm trí, đưa con người trở về với sự an tĩnh thẳm sâu.
Chùa Minh Thành thường được các đơn vị lữ hành đưa vào tour du lịch như một điểm đến không thể thiếu để khơi gợi cảm xúc cho hành trình trải nghiệm Phố núi Pleiku. Đây là cách “bán” cảm xúc rất tinh tế của người làm du lịch. Ông Hà Trọng Hải-Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Cao Nguyên Việt-cho biết: “Ưu điểm của các điểm du lịch tâm linh ở Phố núi là chưa làm dịch vụ nên rất thanh tịnh. Thêm điểm cộng nữa là kiến trúc tôn giáo hài hòa với cảnh quan thiên nhiên tạo nên điểm đến vô cùng độc đáo. Khi đưa khách tới đây, chúng tôi chỉ giới thiệu văn hóa Phật giáo để khách phương xa tự cảm nhận dòng chảy văn hóa tinh thần của người dân bản địa, từ đó có thể tìm thấy những cảm xúc riêng cho mình”.
Ông Hà Trọng Hải-Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Cao Nguyên Việt:“Các điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở nhiều quốc gia đều được Nhà nước quản lý, quy định nơi nào được và không được kinh doanh. Các điểm du lịch tâm linh có bán vé, họ tạo ra chuỗi dịch vụ rất chuyên nghiệp, có bãi đậu xe hiện đại, nhà hàng chay, phòng lễ tân to đẹp hơn cả khách sạn hạng sang, có phòng chiếu phim về sự ra đời của đức Phật và văn hóa Phật giáo của đất nước họ cho du khách nước ngoài có nhu cầu tìm hiểu. Ngoài ra, nhiều dịch vụ thu tiền như phục vụ du khách gõ đại hồng chung, bán các sản phẩm văn hóa Phật giáo… Vì có nguồn thu từ dịch vụ rất lớn nên các điểm du lịch tâm linh chăm sóc du khách rất chu đáo”. |
Theo khảo sát của một số đơn vị lữ hành, trên 60% du khách khi đến cao nguyên Pleiku muốn được tham quan chùa Minh Thành và chùa cổ Bửu Minh. Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Cao Nguyên Việt cho rằng: “Đây là một xu hướng, là nhu cầu của mỗi người bởi du lịch tâm linh gắn với đức tin, khát vọng hướng về nguồn cội và tìm kiếm sự bình an. Có đến 90% du khách được chúng tôi đưa đi tham quan điểm du lịch tâm linh ở Phố núi”. Ông Hải cho rằng, văn hóa Phật giáo thấm đẫm trong đời sống của người Việt nói riêng và các nước trong khu vực châu Á, Đông Nam Á nói chung. Do đó, quốc gia nào trong khu vực cũng đưa du lịch tâm linh vào sản phẩm du lịch và khai thác rất hiệu quả. Đây là điểm đến cần phải có để thỏa mãn tâm lý du khách.
Chùa Minh Thành hấp dẫn du khách bởi sự kết hợp tinh tế kiến trúc văn hóa Phật giáo phương Đông (ảnh chụp năm 2019). Ảnh: Hoàng Ngọc |
“Chúng tôi thường sắp xếp để chùa Minh Thành là điểm đến cuối ngày. Sau ngày dài tham quan, khám phá các nơi, điểm đến này như một quãng nghỉ để lắng lại cảm xúc. Trước khung cảnh bình an, bước chân con người tự nhiên chậm lại. Chùa Minh Thành về chiều là điểm lý tưởng để ngắm hoàng hôn, nghe tiếng chuông chùa, tiếng tụng kinh gõ mõ làm lòng người dịu lại, đưa con người về với thâm sâu cội nguồn của mình”-ông Hải cho biết.
Từng đưa nhiều đoàn du khách chiêm bái chùa Minh Thành, ông Hoàng Phương-Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Du lịch Le Pleiku-cho biết: Đây là điểm đến tâm linh mong đợi của du khách khi đến Phố núi. “Nhiều du khách đã ngạc nhiên vì sự pha trộn tinh tế của kiến trúc và mỹ thuật Phật giáo, tạo dấu ấn văn hóa đặc sắc của công trình này. Địa thế nằm trên gò cao, có suối chảy qua tạo nên quần thể kiến trúc tôn nghiêm, thanh tịnh khiến nhiều du khách không theo đạo Phật nhưng khi bước vào tham quan như lạc vào thế giới riêng”-ông Phương chia sẻ.
Một góc chùa Minh Thành. Ảnh: Đào Phúc Quang Vũ |
Cùng với chùa cổ Bửu Minh thanh tịnh giữa đồng chè mênh mông, tách biệt với mọi phồn tạp, 2 ngôi chùa với 2 phong cách tạo nên sự độc đáo riêng có trong trục du lịch tâm linh ở Phố núi. Ông Hải cho rằng, bản chất của du lịch tâm linh không phải là bán cái người ta cần mà bán cho khách cái họ không biết mình có hay không. Khi chiêm bái các điểm du lịch tâm linh ở Phố núi, con người tự nhiên có những tâm tình riêng khiến họ không thể quên nơi chốn mình từng đi qua là như vậy. “Tuy nhiên, du lịch tâm linh ở Phố núi Pleiku hiện nay chưa được khai thác như một sản phẩm chuyên nghiệp giống các quốc gia đã và đang làm, mới chỉ dừng lại là điểm đến bổ sung cho hành trình khám phá thêm phong phú, gia tăng cảm xúc cho du khách. Cũng vì chưa có hoạt động kinh doanh nên điểm đến này vẫn giữ được sự trang nghiêm, thanh tịnh, phù hợp nhiều đối tượng du khách, kể cả những người không theo đạo Phật”-ông Hải chia sẻ.
Không chỉ khách du lịch, nhiều phật tử khi thấy trong lòng không an cũng thường tìm đến đây như một chốn trở về, bước chân thong dong dưới bóng bồ đề, bước đi trên con đường rải sỏi có những hàng trầu bà xanh mướt. Khi bước chân đã mỏi, ngồi xuống bậc thềm rêu phong nghỉ ngơi chốc lát, nhìn mây trắng bay trên đỉnh bảo tháp, hàng liễu im lìm rủ bóng ven hồ liên trì, sen hồng mùa hạ ánh sắc trên mặt nước, bắt gặp nụ cười hiền từ của đức Phật giữa hồ nước xanh như ngọc, bình an cứ theo nhau về lấp đầy nỗi trống trải trong tâm hồn. Đến Phố núi Pleiku, du khách không nên bỏ qua một chốn “đường xưa mây trắng” như vậy.
HOÀNG NGỌC