(GLO)- Mùa mưa năm nay đến sớm, mưa liên tục và kéo dài khiến nhiều tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp. Cơ quan chuyên môn và các địa phương trong tỉnh đang tích cực triển khai sửa chữa các đoạn đường hư hỏng nhằm đảm bảo cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa an toàn, thuận lợi.
Nhiều tuyến đường xuống cấp
Tại TP. Pleiku, rất nhiều tuyến đường đã xuống cấp trầm trọng sau mùa mưa. Điển hình như các tuyến đường: Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Phan Đăng Lưu, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Phan Đình Giót, Trần Văn Bình, Lý Thường Kiệt…
Mưa gây ngập và hư hại đường, làm ảnh hưởng đến lưu thông của người dân. (Ảnh chụp trên đường Tôn Đức Thắng-TP. Pleiku). Ảnh: L.H |
Là tuyến đường tránh khu vực nội đô Pleiku, sau 9 năm khai thác, đường Nguyễn Chí Thanh nay đã xuống cấp trầm trọng. Tại các điểm như: Km 0+250, Km 0+750, Km 1+290, Km 3+460 (đoạn giáp ranh phường Thắng Lợi và Chi Lăng), Km 4+240 (khu vực làng Chuét, phường Thắng Lợi)… mặt đường xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi nối tiếp nhau. Những ngày mưa, các hố sâu ngập nước; ngày nắng thì bụi bay mù mịt. Anh Lưu Văn Hạnh (tổ 4, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) bức xúc nói: “Tôi làm nghề lái xe tải dịch vụ, mỗi lần chạy qua tuyến đường này rất ngán bởi phải tìm cách tránh ổ gà, ổ voi. Rất nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra tại đây. Rất mong chính quyền, ngành chức năng sớm khắc phục sửa chữa những điểm hư hỏng để người dân đi lại được thuận tiện”. Tương tự, đường Âu Cơ (đoạn nối từ ngã tư Âu Cơ-Lạc Long Quân đi Triệu Quang Phục) cũng xuống cấp từ vài năm nay. Tại khu vực gần ngã tư Âu Cơ-Lạc Long Quân, mặt đường chằng chịt những hố sâu lớn. Người dân hai bên đường đã nhiều lần mua đá dăm, xà bần đổ lấp các ổ gà, ổ voi nhưng chẳng bao lâu con đường lại trở về nguyên trạng.
Không riêng các tuyến đường ở TP. Pleiku, nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên thôn, liên xã trên địa bàn tỉnh vốn đã xuống cấp lại càng hư hỏng trầm trọng hơn sau mùa mưa. Tại tuyến tỉnh lộ 665 nối từ ngã ba Phú Mỹ (xã Ia Băng, huyện Chư Prông) về các xã biên giới huyện Chư Prông, nhiều đoạn đã bong tróc hết lớp nhựa mặt đường. Các đoạn chạy qua địa bàn xã Ia Băng, Ia Pia, Ia Ga, Ia Tôr… bề mặt xuất hiện hàng loạt ổ gà, ổ voi, sống trâu. Đặc biệt, đoạn đường nối từ ngã ba Ia Ga đi vào xã Ia Lâu và Ia Piơr dài gần 20 km liên tiếp là các bãi sình lầy như mặt ruộng sau cày. Nhiều xe cộ, phương tiện đi vào con đường này đã bị sa lầy, buộc phải nhờ xe tời kéo ra. Các tuyến tỉnh lộ 664, 666 cũng có nhiều đoạn xuống cấp, hư hỏng nặng…
“Mùa mưa kéo dài như năm nay khiến hệ thống đường giao thông trên địa bàn tỉnh bị xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là sau mỗi trận mưa lớn. Trước tình hình đó, từ tháng 8, Sở Giao thông-Vận tải (GTVT) đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên kiểm tra các tuyến đường và nhanh chóng có phương án khắc phục các điểm hư hỏng để đảm bảo lưu thông được thuận lợi, thông suốt. Đồng thời, Sở gửi văn bản đề nghị Bộ GTVT quan tâm sửa chữa, khắc phục những đoạn hư hỏng trên các tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn tỉnh”-ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT chia sẻ.
Tích cực sửa chữa, đảm bảo lưu thông
Sửa chữa hệ thống đường, cống tại thị xã An Khê. Ảnh: L.H |
Theo ông Hà Anh Thái-Trưởng phòng Quản lý Kết cấu Hạ tầng Giao thông, Sở GTVT chịu trách nhiệm quản lý 4 tuyến quốc lộ (25, 14C, 19D, đường Trường Sơn Đông), 10 tuyến tỉnh lộ và hệ thống đường địa phương. Để đảm bảo nhu cầu đi lại cho người dân sau mùa mưa, tỉnh đang triển khai nâng cấp, sửa chữa một số đoạn, điểm hư hỏng trên tuyến quốc lộ và các tuyến tỉnh lộ: 664, 666… Riêng tuyến tỉnh lộ 665 đã có dự án đầu tư nâng cấp do Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai thực hiện dựa trên nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Đối với các tuyến đường địa phương thì sau khi tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng hạ tầng giao thông sau mùa mưa, Sở đã ghi nhận, đồng thời đề nghị UBND một số huyện: Mang Yang, Chư Pưh, Chư Prông tiến hành các công đoạn cần thiết để đầu tư nâng cấp một số đoạn đường, cầu. “Thực tế, các tuyến đường vào xã Ia Lâu, Ia Piơr (huyện Chư Prông) và Ia Dreng (huyện Chư Pưh) cần được đầu tư làm mới, việc sửa chữa chỉ mang tính chất khắc phục tạm thời”-ông Thái nhấn mạnh.
Toàn tỉnh hiện còn 68 km tỉnh lộ và 42 km quốc lộ 14C là đường đất, đi lại rất khó khăn trong mùa mưa bão. Khó khăn hiện nay trong công tác sửa chữa hạ tầng giao thông là tỉnh chưa có nguồn kinh phí sửa chữa định kỳ, trong khi nguồn kinh phí sửa chữa thường xuyên không đủ đáp ứng nhu cầu thực tiễn. “Chỉ tính riêng 10 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài 371 km, mỗi năm chỉ được bố trí 15 tỷ đồng để sửa chữa những hư hỏng phát sinh. Trong khi theo định mức sửa chữa, hệ thống đường đã vào cấp (đường nhựa hóa, bê tông hóa…) sẽ được bố trí khoảng 180 triệu đồng/km/năm. Chiếu theo định mức này, Gia Lai hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu sửa chữa”-ông Hạnh chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ chế thực hiện nguồn vốn bảo trì đường bộ thông qua Bộ Tài chính như hiện nay đã ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện bảo trì đường bộ. Hiện nay, mặc dù đã bước sang quý IV nhưng tỉnh mới chỉ được cấp đợt I (tháng 9-2018) với số tiền 18,6 tỷ đồng/49 tỷ đồng từ nguồn kinh phí này. Nhiều đơn vị quản lý phải linh động sử dụng nguồn vốn ứng trước, vốn vay để thực hiện công tác bảo trì đường bộ.
Hải Lê