(GLO)- Sau khi 3 huyện Chư Pưh, Đức Cơ, Chư Prông công bố dịch tả heo châu Phi, hoạt động kinh doanh thịt heo trên địa bàn tỉnh rơi vào cảnh trầm lắng, ế ẩm. Để người dân yên tâm sử dụng thịt heo, các ngành chức năng đã tăng cường công tác kiểm soát nguồn gốc mặt hàng này cũng như kiểm phẩm tại các chợ.
Kiểm soát nguồn gốc thịt heo
Trước tình hình dịch tả heo châu Phi lây lan trên diện rộng, các ngành chức năng đã tăng cường phun hóa chất tiêu độc khử trùng ở các chốt trạm kiểm soát và các điểm giết mổ. Đồng thời, ngành chức năng cũng siết chặt kiểm soát hoạt động kinh doanh trên địa bàn nhằm đảm bảo thịt heo đưa ra thị trường phải có nguồn gốc rõ ràng, an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng.
Mặt hàng thịt heo tại các chợ hiện nay được tăng cường kiểm soát nhằm giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng. Ảnh: internet |
Theo ông Lê Hồng Hà-quyền Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường Gia Lai, đơn vị đã yêu cầu các đội Quản lý Thị trường phối hợp với các sở, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra các phương tiện vận chuyển heo, các cơ sở kinh doanh, giết mổ. Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ tình hình vận chuyển heo, không để heo, sản phẩm từ heo chưa qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc lưu thông trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định nhằm ngăn chặn, không để dịch lây lan. “Đến nay, qua công tác kiểm tra, kiểm soát ở cả 3 vùng dịch chưa phát hiện vụ mua bán heo bệnh nào”-ông Hà khẳng định.
Tại Chư Prông, ông Lưu Hoài Hưng-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-cho biết, việc lăn dấu kiểm phẩm thịt heo chỉ thực hiện được ở 3 chợ trung tâm trên địa bàn với số lượng khoảng 10 con/ngày. Riêng lượng thịt heo buôn bán tại các chợ xã xa khu vực trung tâm không thể kiểm phẩm hoàn toàn được. Do đó, đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền đến ban quản lý các chợ cũng như vận động người dân khi giết mổ, mua bán thịt heo phải có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y để phòng tránh dịch bệnh lây lan trên diện rộng. “Trước đó, đơn vị cũng đã tổ chức tập huấn về cách nhận biết dấu hiệu của bệnh và cách phòng bệnh cho các hộ chăn nuôi heo với quy mô từ 10 con trở lên và các hộ buôn bán trên địa bàn. Tại những vùng có dịch, Trung tâm phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm soát không cho vận chuyển heo ra ngoài. Hiện tại, những vùng có dịch gần như người dân không giết mổ heo nữa”-ông Hưng thông tin thêm.
Trước tình hình dịch bệnh xảy ra tại 3 huyện của tỉnh, để người dân yên tâm về nguồn gốc thịt heo, không quay lưng lại với sản phẩm này, theo ông Võ Văn Yên-Phụ trách chung Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Pleiku, Trung tâm đã tăng cường công tác kiểm phẩm tại các chợ trên địa bàn; đồng thời tuyên truyền để người dân nhận biết về bệnh dịch tả heo châu Phi. Tuy nhiên, việc kiểm phẩm mới chỉ thực hiện được khoảng 70% sản lượng thịt tiêu thụ trên địa bàn với số lượng hiện tại khoảng 100 con/ngày.
Lượng thịt tiêu thụ giảm mạnh
Việc người dân lo lắng, dè dặt với thịt heo và các sản phẩm từ heo đã khiến các tiểu thương kinh doanh mặt hàng này gặp nhiều khó khăn. Qua khảo sát ở nhiều chợ cho thấy, lượng thịt heo bán ra đã giảm 30-50% so với thời điểm trước khi dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh; giá thịt heo cũng giảm 5-15 ngàn đồng/kg. Cụ thể, thịt ba chỉ từ 85 ngàn đồng/kg giảm còn 75 ngàn đồng/kg, chân giò từ 75 ngàn đồng/kg giảm còn 65 ngàn đồng/kg, thịt đùi từ 90 ngàn đồng/kg giảm còn 75 ngàn đồng/kg…
Người tiêu dùng nên mua sản phẩm thịt heo có lăn dấu kiểm phẩm của cơ quan thú y để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: V.T |
Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Bệnh dịch tả heo châu Phi không lây lan sang người nên người dân không nên quá lo lắng, tẩy chay các sản phẩm thịt heo an toàn. Người dân chỉ cần lưu ý là mua thịt heo và những sản phẩm từ thịt heo có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan thú y kiểm soát. Để ngăn chặn dịch tả heo châu Phi lây lan, chúng tôi đề nghị người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ heo thực hiện “5 không” theo đúng quy định: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
|
Tại Đức Cơ, sau khi công bố dịch, tình hình mua bán thịt heo rất ế ẩm. Bà Lê Thị Phượng-tiểu thương ở chợ làng Khóp (xã Ia Krêl) rầu rĩ nói: “Những ngày qua, khách quen cũng không còn mua thịt nữa nên lượng bán ra chỉ hơn chục ký mỗi ngày. Với tình hình này, tôi đang tính sẽ tạm ngừng bán thịt heo đến khi công bố hết dịch và chuyển qua bán các loại cá để đảm bảo nguồn thu cho gia đình”.
Không riêng những vùng bị dịch, cảnh mua bán ế ẩm cũng diễn ra ở hầu hết các chợ trên địa bàn tỉnh. Bà Nguyễn Thị Phục-tiểu thương bán thịt ở chợ Chư Sê-cho biết: “Bình thường mỗi ngày, tôi bày bán đến 1 tạ thịt heo nhưng những ngày qua chỉ còn 50-60 kg/ngày. Thịt bán tại đây được nhập từ lò mổ tập trung đã được cấp phép của huyện, tức là đã được kiểm soát tốt về vệ sinh an toàn thực phẩm từ đầu vào đến đầu ra. Song tâm lý dè dặt khi chọn mua thịt heo của người tiêu dùng đã tác động lớn đến tình hình mua bán”.
Tương tự, tình hình kinh doanh thịt heo ở TP. Pleiku cũng không tránh khỏi cảnh đìu hiu. Ông Nguyễn Văn Linh-Phó Trưởng ban Quản lý Trung tâm Thương mại Pleiku-cho hay: “Hiện có 70 hộ tiểu thương kinh doanh thịt heo tại Trung tâm Thương mại, trong đó 50 hộ kinh doanh cố định, 20 hộ kinh doanh không thường xuyên, không lô sạp. Tình hình mua bán thịt heo tại đây đã giảm đến 40% kể từ khi một số huyện công bố dịch. Trước đây, mỗi ngày lực lượng thú y lăn dấu kiểm phẩm khoảng 50 con thì nay giảm chỉ còn 30 con. Để các hộ tiểu thương yên tâm mua bán cũng như giúp người tiêu dùng hiểu đủ và đúng về dịch tả heo không lây sang người, ngoài việc tăng cường kiểm tra tình hình mua bán, chúng tôi còn tích cực tuyên truyền tiểu thương phải bán heo có nguồn gốc rõ ràng, có dấu kiểm phẩm của cơ quan thú y. Nếu phát hiện thịt có những dấu hiệu của bệnh dịch thì phải báo ngay cho Ban quản lý để kịp thời báo cho cơ quan chức năng xử lý”.
VŨ THẢO