Tạp chí MIT Technology Review (Mỹ) mới đây công bố bản thảo thí nghiệm em bé chỉnh sửa gien của nhà di truyền học Trung Quốc He Jiankui.
Sau khi phân tích bản thảo nêu trên, nhiều nhà khoa học khẳng định nhóm nghiên cứu của ông He có thể đã "tạo ra những đột biến ngoài ý muốn". Mặc dù những đột biến này có thể giúp kháng HIV, nhóm của ông He không tiến hành bất cứ cuộc thí nghiệm nào để xem liệu chúng có thành công hay không, theo News Week.
Ông Fyodor Urnov, từ Trường ĐH California, khẳng định: "Tuyên bố của họ về việc tái tạo lại biến thể của gien CCR5 là một sự trình bày sai lệch trắng trợn dữ liệu và đây là một sự giả dối có chủ ý".
"Nghiên cứu cho thấy nhóm của ông He đã thất bại trong việc tái tạo lại biến thể của gien CCR5. Mặc dù nhắm đúng gien, họ không sao chép biến thể "Delta 32" cần thiết. Thay vào đó, họ tạo ra những chỉnh sửa mới có hiệu ứng không rõ ràng" – ông Urnov nói thêm.
Bên cạnh đó, công nghệ chỉnh sửa gien CRISPR vẫn là một công cụ chưa hoàn thiện vì nó có thể gây ra những biến đổi không mong muốn. Việc sử dụng công cụ này đối với con người vẫn là một vấn đề gây tranh cãi gay gắt.
"Tuyên bố công trình chỉnh sửa gien này có thể cứu sống hàng triệu sinh mạng là một tuyên bố ảo tưởng và vô nhân đạo"-ông Urnov kết luận.
Nhà di truyền học Trung Quốc He Jiankui. Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, chuyên gia luật Hank Greely của Trường ĐH Stanford (Mỹ) đề cập các vấn đề liên quan đến tính minh bạch và đạo đức trong nghiên cứu của ông He.
Theo bản thảo, nghiên cứu được đăng ký tại Trung tâm Đăng Ký Thử nghiệm Lâm sàng Trung Quốc. Tuy nhiên, việc đăng ký dường như chỉ được thực hiện sau khi cặp song sinh ra đời.
"Nghiên cứu cũng không nhắc đến lệnh cấm của Trung Quốc đối với dịch vụ hỗ trợ sinh sản dành cho các cặp vợ chồng nhiễm HIV. Có thông tin nói rằng ông ấy thuê người để qua mặt xét nghiệm HIV. Tôi cho rằng thông tin này chính xác. Nếu đúng như vậy, ông ấy đã lừa dối quy trình pháp lý của Trung Quốc"-ông Greely khẳng định.
Trước đó, vào tháng 11-2018, ông He khiến cộng đồng khoa học thế giới bị sốc và phẫn nộ khi tuyên bố đã sử dụng CRISPR để chỉnh sửa ADN của phôi người, tạo ra cặp bé gái song sinh - Nana và Lulu, với biến thể gien CCR5 giúp kháng HIV. Cặp song sinh này được tạo ra từ một cặp vợ chồng mà trong đó, người chồng nhiễm HIV còn người vợ thì không.
Cao Lực (NLĐO/Theo News Week)