Kinh tế

Giá cả thị trường

EVN được phép tăng giá điện trong phạm vi 3-5% không cần báo cáo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 24, thay thế Quyết định 69 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được quyền điều chỉnh tăng giá điện trong phạm vi từ 3% đến dưới 5%.
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo thông tin, ngày 30-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 24, thay thế Quyết định 69 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Theo đó, khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu tăng gấp đôi so với quy định tại Quyết định 69, lên 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.

Cũng theo quyết định này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được quyền điều chỉnh tăng giá điện trong phạm vi từ 3% đến dưới 5%. Sau khi tăng giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát. Như vậy, Tập đoàn này sẽ không cần báo cáo với các bộ quản lý Nhà nước trước khi tăng giá và đợi được “cho phép” như trước.

Nếu giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10%, quyền quyết định tăng giá thuộc về Bộ Công Thương. Và nếu giá điện bình quân tăng trên 10% trở lên so với giá hiện hành thì thẩm quyền quyết định thuộc về Thủ tướng dựa trên phương án do EVN trình và Bộ Công Thương thẩm định.

Cùng đưa tin về vấn đề này, cũng theo quyết định, trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh giảm mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam không điều chỉnh giảm, Bộ Công Thương có trách nhiệm yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh giảm giá bán điện bình quân; Nếu phát hiện có sai sót trong kết quả tính toán giá điện, Bộ Công Thương có trách nhiệm yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam dừng điều chỉnh hoặc điều chỉnh lại giá bán điện bình quân.

Trường hợp vi phạm quy định về điều chỉnh, tính toán giá bán điện bình quân theo quy định được xử lý theo quy định pháp luật quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn và Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP hoặc các văn bản quy phạm pháp luật thay thế (nếu có).

Quyết định này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15-8.

Theo DSPL

Có thể bạn quan tâm