Sức khỏe

Tin tức

F0 tại TP HCM sẽ được sử dụng thuốc Favipiravir thay gói thuốc C - Molnupiravir

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Sở Y tế TP HCM vừa tiếp nhận văn bản của Bộ Y tế cho biết sẽ được cấp 120.000 viên Favipiravir - thuốc kháng virus hỗ trợ F0. Những trạm y tế đã sử dụng gói thuốc C cho F0 thì tiếp tục đưa thuốc này vào điều trị.

Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động tại buổi họp báo định kỳ về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM chiều 25-11, về việc trạm y tế hết thuốc C - Molnupiravir để cấp cho F0, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP, cho biết sở đã báo cáo với Bộ Y tế và xin thêm 100.000 liều dự phòng trong trường hợp F0 nhiều.  

Đến nay, Sở Y tế TP HCM vừa tiếp nhận văn bản của Bộ Y tế là sẽ được cấp 120.000 viên Favipiravir.

 

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM chia sẻ thông tin tại buổi họp báo
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM chia sẻ thông tin tại buổi họp báo


"Đây là thuốc kháng virus hỗ trợ cho F0. Những trạm y tế đã sử dụng gói thuốc C trước đó cho F0 thì tiếp tục đưa thuốc này vào điều trị người bệnh. Ngoài ra, kết hợp với Hội Đông y TP HCM tăng cường sức khỏe cho người bệnh bằng thực phẩm chức năng. Các sản phẩm đông y do Hội Đông y TP HCM giới thiệu và tài trợ” - bà Mai nói.

Theo bà Mai, ngoài sử dụng thuốc điều trị, TP HCM còn tăng cường sức khỏe cho F0 tại nhà. "Chúng tôi quan niệm sử dụng thuốc Đông - Tây y kết hợp để điều trị cho bệnh nhân. Hội Đông y TP HCM đã giới thiệu và tài trợ thực phẩm chức năng Kovir để hỗ trợ, tăng cường sức khỏe cho người mắc Covid-19" - bà Mai cho biết.

Liên quan việc xử lý F0 tại các khu vực kinh doanh - sản xuất, bà Mai cho hay ngày 11-11, Sở Y tế TP HCM đã ban hành hướng dẫn về quy chế phối hợp với khu cách ly tại khu công nghiệp, khu chế xuất và y tế địa phương để cách ly công nhân là F0. Khu vực cách ly này mở ra để hỗ trợ F0 là công nhân đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, không đủ điều kiện cách ly tại nhà.

Việc mở khu cách ly sẽ tùy thuộc nhu cầu của doanh nghiệp và liên quan đến quỹ đất. Nếu đảm bảo an toàn, đủ điều kiện thì sẽ hình thành. Kế hoạch này tùy thuộc vào nhu cầu của cơ sở, do đó cần thiết họ sẽ báo với ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ dành ra quỹ đất hoặc nhà xưởng để làm khu cách ly. Trên cơ sở đó, UBND các địa phương cũng như ngành y tế sẽ thẩm định. Đây là khu cách ly chứ không phải bệnh viện thu dung điều trị.

 


Dự kiến mở lại chợ Bình Điền với công suất tối đa

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết về việc người dân kiến nghị với chính quyền địa phương những vấn đề liên quan hoạt động chợ tự phát, sở sẽ kiểm tra lại do đến nay chưa nhận được thông tin từ địa phương.

 
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, thông tin tại buổi họp báo
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, thông tin tại buổi họp báo

Theo ông Phương, việc phát sinh các nơi buôn bán kinh doanh tự phát, cơ quan quản lý địa phương phải có trách nhiệm trong việc kiểm tra giám sát, xử lý. "TP HCM đã có văn bản chỉ đạo kiểm tra xử lý, không để chợ tự phát hoạt động, đến nay TP chưa có chỉ đạo mới, như vậy việc để phát sinh chợ tự phát là sai quy định" - ông Phương nói.

Về nguyên nhân chợ tự phát hoạt động, ông Phương cho rằng trong quá trình dịch bùng phát có trường hợp lây nhiễm F0 ở chợ đầu mối nên Sở Công Thương quyết định tạm ngưng 3 chợ đầu mối. Sở đang triển khai các phương án để dần mở cửa hoạt động các chợ trở lại một cách an toàn.

Theo ông Phương, TP HCM đang tích cực đẩy nhanh tiến độ hoạt động lại 3 chợ, vì vậy các địa phương phải nhanh chóng xây dựng phương án chấm dứt chợ tự phát. Dự kiến, trong tuần sau, Sở Công Thương sẽ hoàn tất phương án phòng chống dịch, mở lại chợ Bình Điền với công suất tối đa. Khi chợ này hoạt động trở lại cũng là một trong các phương án giải tỏa các chợ tự phát xung quanh.

Thông tin về việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, cho biết sau 3 ngày triển khai tiêm mũi 2, hơn 324.000 trẻ đã được tiêm ngừa.

Theo ông Tâm, tiến độ tiêm ngừa đang khá tốt. Theo kế hoạch, công tác tiêm chủng diễn ra trong 7 ngày nhưng hiện 3 ngày đã tiêm được một nửa số lượng trẻ theo danh sách. Khi thực hiện tiêm chủng, ngành y tế ghi nhận 284 trường hợp trẻ phải hoãn tiêm do mắc bệnh cấp tính, bệnh nền lâu năm, 2 trường hợp chống chỉ định liên quan tiền sử sốc phản vệ.


Theo Hải Yến (NLĐO)

 

Có thể bạn quan tâm