Kinh tế

Gần 109 tỷ đồng phát triển giáo dục nghề và giải quyết việc làm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)-Theo Kế hoạch số 1334/KH-UBND của UBND tỉnh Gia Lai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi trên địa bàn tỉnh năm 2023, tổng kinh phí để thực hiện Tiểu dự án 3 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi” thuộc Dự án 5 của chương trình là gần 109 tỷ đồng.
Nhiều thanh niên DTTS được đào tạo nghề nông nghiệp để áp dụng phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Hà Duy
Nhiều thanh niên DTTS được đào tạo nghề nông nghiệp để áp dụng phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Hà Duy

Theo kế hoạch, bên cạnh việc xây dựng các mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và nâng cao hiệu quả việc làm sau đào tạo (đối với một số nghề như dệt thổ cẩm, cơ khí, xây dựng, điện…), tỉnh sẽ tập trung đào tạo trình độ nghề sơ cấp đối với các ngành nghề gắn với nhu cầu thực tiễn vùng đồng bào DTTS (như: sửa chữa máy cày công suất nhỏ, sửa chữa máy cắt cỏ cầm tay, kỹ thuật xây dựng, sửa chữa xe gắn máy, lắp đặt và sửa chữa điện sinh hoạt; các nghề nông nghiệp như trồng cà phê, trồng hồ tiêu, rau an toàn, trồng nấm, chanh dây…) nhằm phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người lao động trong phát triển sản xuất.

Ngoài ra, từ nguồn vốn này, tỉnh sẽ chuẩn hóa kỹ năng lao động và kết nối hiệu quả đào tạo và giải quyết việc làm; tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vùng đồng bào DTTS và miền núi; tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp… Phấn đấu trong năm 2023, có 47,2% lao động trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS; phấn đấu đạt 81,8% người lao động có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn sau khi học nghề.

Có thể bạn quan tâm