Pháp luật

Gần 300 bị can liên quan đến đăng kiểm đã bị khởi tố, điều tra

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
23 tỉnh thành, trong đó TPHCM và Hà Nội là hai địa phương được xác định có số bị can liên quan đến sai phạm đăng kiểm nhiều nhất.
Cơ quan chức năng khám xét nơi làm việc của các lãnh đạo, nhân viên Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 47-06D. Ảnh: Công an cung cấp

Cơ quan chức năng khám xét nơi làm việc của các lãnh đạo, nhân viên Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 47-06D. Ảnh: Công an cung cấp

Gần 3 tháng qua, công an tại 23 tỉnh, thành phố trên cả nước đã khám xét trên 50 trung tâm đăng kiểm, khởi tố gần 300 bị can về 5 tội danh "Nhận hối lộ; Đưa hối lộ; Môi giới hối lộ; Giả mạo trong công tác; Sản xuất, mua bán thiết bị, phần mềm sử dụng vào mục đích trái pháp luật".

Vụ án khởi phát ngày 26.10.2022 khi CSGT TPHCM kiểm tra 2 xe tải lưu thông trên đường và phát hiện thùng xe đã được cơi nới trái quy định nhưng vẫn được chứng nhận kiểm định đạt.

Thấy có dấu hiệu tội phạm, Phòng CSGT Công an TPHCM đã ghi lời khai tài xế, chủ xe, phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ.

Sau quá trình điều tra, ngày 9.12.2022, Công an TPHCM khởi tố 18 bị can về các tội danh "Môi giới hối lộ, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Mạo danh trong công tác" xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm 62-03D (ở tỉnh Long An) và Trung tâm Đăng kiểm 50-15D (ở TP.Thủ Đức).

Đến ngày 28.12.2022, Công an TPHCM khởi tố, bắt tạm giam thêm hơn 20 bị can gồm các giám đốc, phó giám đốc, đăng kiểm viên và nhân viên dịch vụ tại 12 trung tâm đăng kiểm ở TPHCM, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre.

Trong số này có 5 trung tâm đăng kiểm (62-03D, 71-02D, 83-02D, 66-02D, 63-02D) do bị can Trần Lập Nghĩa làm giám đốc; Trung tâm Đăng kiểm 50-15D do Nguyễn Trọng Vĩnh làm giám đốc; Trung tâm đăng kiểm 50-07V do Ngô Ngọc Sơn làm giám đốc; Trung tâm đăng kiểm 50-10D do Nguyễn Thanh Tâm làm giám đốc và Hồ Hữu Tài là giám đốc Trung tâm đăng kiểm 50-17D.

Mở rộng điều tra, sáng 28.12.2022, Công an TPHCM chủ trì, phối hợp Công an Hà Nội và các lực lượng thuộc Bộ Công an đã khám xét khẩn cấp Phòng kiểm định xe cơ giới thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Ngày 11.1, Công an TPHCM khởi tố bị can, bắt tạm giam Cục trưởng Đặng Việt Hà về tội "Nhận hối lộ". Gần một tuần sau, cơ quan điều tra khởi tố người tiền nhiệm của ông Hà, là ông Trần Kỳ Hình về cùng tội danh.

Tính đến giữa tháng 2, Công an TPHCM và các tỉnh miền Tây đã khởi tố, bắt tạm giam hơn 100 bị can liên quan đến những sai phạm tại trên 15 trung tâm đăng kiểm ở khu vực này.

Cơ quan chức năng đọc lệnh bắt với Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà. Ảnh: Cơ quan Công an cung cấp

Cơ quan chức năng đọc lệnh bắt với Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà. Ảnh: Cơ quan Công an cung cấp

Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an về việc mở rộng điều tra sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, ngày 14.1, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội khởi tố 4 vụ án và hơn 30 bị can tại các trung tâm đăng kiểm về tội "Nhận hối lộ". Trong đó, 3 bị can là giám đốc, một phó giám đốc và 14 đăng kiểm viên.

Gần đây nhất, chiều 15.2, Công an tỉnh Đắk Lắk công bố thông tin về việc tạm giữ hình sự ông Lại Phú Hợp - Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 47-06D, cùng 6 nghi phạm khác.

Cùng ngày 15.2, Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố bị can, bắt tạm giam Trịnh Ngọc Tuấn - Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 36-08D về tội "Nhận hối lộ".

Ngoài những địa phương trên, nhiều lãnh đạo và nhân viên các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại Bắc Ninh (14 bị can), Bắc Giang (5 bị can), Thái Bình (8 bị can), Phú Thọ (1 bị can), Hòa Bình (10 bị can), Nam Định (5 bị can), Đà Nẵng (1 bị can), Quảng Nam (13 bị can) và Đồng Nai (23 bị can) cũng bị khởi tố, bắt tạm giam...

Tại họp báo Chính phủ đầu tháng 2, Trung tướng Tô Ân Xô - Người phát ngôn Bộ Công an, đánh giá đây là vụ án tham nhũng có tổ chức, hành vi sai phạm tiêu cực, có hệ thống, được tổ chức xuyên suốt từ một số lãnh đạo Cục Đăng kiểm, phòng kiểm định xe cơ giới đến giám đốc nhiều trung tâm đăng kiểm.

Sai phạm chủ yếu của các bị can là đưa, nhận, môi giới hối lộ để bỏ qua các lỗi của phương tiện đăng kiểm, thuê viết phần mềm có tính năng chỉnh sửa kết quả kiểm định về khí thải.

Hành vi này dẫn đến hậu quả nhiều phương tiện không đủ điều kiện nhưng đã được "làm phép" tại cơ quan đăng kiểm để lưu thông. Điều này rất nguy hiểm và là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã bổ sung vụ án Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Giả mạo trong công tác xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Có thể bạn quan tâm