Chính trị

Tin tức

Gần 7.200 cán bộ tỉnh Gia Lai nghe thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 12-10, tại Hội trường 19-5 (TP. Pleiku), đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai chủ trì hội nghị và trực tiếp thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bằng hình thức trực tuyến đến gần 7.200 cán bộ toàn tỉnh.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu chính có các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (đang công tác tại các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh); lãnh đạo các cơ quan chuyên trách, tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; lãnh đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh; lãnh đạo Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh và các Hội đặc thù cấp tỉnh; lãnh đạo các đơn vị: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; các đồng chí báo cáo viên Trung ương, báo cáo viên Tỉnh ủy khóa XVI hiện đang công tác tại các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên trực tiếp thông báo nhanh kết quả hội nghị. Ảnh: Anh Huy
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên trực tiếp thông báo nhanh kết quả hội nghị. Ảnh: Anh Huy

Hội nghị được kết nối đến 241 điểm cầu gồm: Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, Trường Chính trị tỉnh, các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy và các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII diễn ra từ ngày 3-10 đến ngày 9-10 tại Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và đã có bài phát biểu khai mạc, bế mạc quan trọng tại hội nghị. Sau 7 ngày làm việc, Hội nghị đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra.

Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng và các đại biểu tham dự Hội nghị đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn thảo luận, cho ý kiến các tờ trình, đề án, báo cáo của Bộ Chính trị liên quan đến một số vấn đề quan trọng, gồm: Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; Kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025; phương án điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2023; định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị.

các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu chính. Ảnh: Anh Huy
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu chính. Ảnh: Anh Huy

Trên cơ sở phân tích, dự báo các khả năng có thể xảy ra, bám sát với tình hình thực tiễn, Trung ương thống nhất ban hành Kết luận về kinh tế-xã hội năm 2022-2023, trong đó xác định rõ quan điểm, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm 2023, bảo đảm tính khả thi, đáp ứng được yêu cầu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính ngân sách nhà nước hàng năm, gắn với việc phòng-chống, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.

Về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trung ương coi đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài, do đó thống nhất ban hành Kết luận về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Chính phủ căn cứ ý kiến thảo luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị hoàn chỉnh định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Quốc hội khoá XV xem xét, quyết định.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận và thống nhất ban hành Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó nêu rõ 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể: Đổi mới tư duy, nhận thức đầy đủ và sâu sắc về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn mới; xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường; nâng cao năng lực ngành xây dựng; đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong tình hình mới; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đổi mới chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhanh, bền vững; quản lý sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường trong nước; phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh con người Việt Nam; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, lực lượng doanh nhân xung kích, đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu chính, hội trường 19-5. Ảnh; Anh Huy
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hội trường 19-5. Ảnh: Anh Huy

Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất cao ban hành Nghị quyết của Trung ương về Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn mới với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Đồng thời đánh giá cao các kết quả đã đạt được của 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị; khẳng định việc ban hành Nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới là yêu cầu cần thiết.

Theo đó, thống nhất 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, gồm: Đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở.

Tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cho ý kiến, thông qua báo cáo những công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 5 đến Hội nghị Trung ương 6 và một số nhiệm vụ trọng tâm từ Hội nghị Trung ương 6 đến Hội nghị Trung ương 7 khoá XIII; báo cáo công tác tài chính Đảng năm 2021; công tác cán bộ.

                                                                                                                                    ANH HUY

 

Có thể bạn quan tâm