Một báo cáo mới cho thấy mạng xã hội không hẳn là nơi tự do như chúng ta vẫn nghĩ. Trên đó, các chiến dịch thao túng bầu cử được tiến hành và quan chức chính phủ thì mặc nhiên giám sát người dùng.
Theo Marshable, báo cáo “2019 Freedom on the Net”, được thực hiện bởi tổ chức giám sát độc lập Freedom House, dẫn thông tin rằng 40 trong số 65 quốc gia mà họ nghiên cứu (khoảng 62%) “đã thiết lập các chương trình cấp cao giám sát phương tiện truyền thông xã hội”.
Nếu nói về tự do internet, Trung Quốc được xếp hạng là quốc gia ít tự do nhất. Nga và Ai Cập cũng thuộc danh sách “không tự do”. Tổng cộng, “89% người dùng internet hay gần 3 tỉ người” bị theo dõi bởi những chương trình giám sát khác nhau. Đây là một con số đáng kinh ngạc.
Bản đồ về tự do internet trên thế giới do báo cáo cung cấp. Ảnh:Freedom House
Và cách những chương trình này hoạt động cũng đáng kinh ngạc không kém. Báo cáo ghi nhận tại Iran có “đội quân 42.000 người tình nguyện làm công việc giám sát ngôn luận trực tuyến”. Và Đảng Cộng sản Trung Quốc sở hữu hệ thống tương tự làm nhiệm vụ thu thập dữ liệu và gắn cờ “nội dung có vấn đề”. Trong khi đó, công ty Seemian ở Trung Quốc tự hào nói hệ thống giám sát Aegis của họ đang giám sát hơn 200 triệu người tại đây.
Mặc dù đánh giá Mỹ là “tự do” về kiểm duyệt internet, báo cáo nêu rõ Mỹ không hề vô can. Công ty bảo mật công nghệ của Israel tên Cellebrite vừa ký hợp đồng trị giá 30-35 triệu USD với Cục Quản lý Nhập cư và Hải quan (Immigration and Customs Enforcement) của Mỹ. Công cụ mà Cellebrite cung cấp giúp khách hàng dễ dàng hack vào điện thoại người khác và lấy cắp thông tin.
Các quốc gia khác còn đang gửi quan chức của họ đến Mỹ để học cách giám sát mạng xã hội.
Báo cáo nói “quan chức Philippines đã tới Bắc Carolina để được đào tạo bởi quân đội Mỹ trong việc phát triển một đơn vị mới nhằm giám sát mạng xã hội”. Và Tiểu đoàn Phản ứng nhanh (Rapid Action Battalion) của Bangladesh, một đơn vị “chống khủng bố” do chính phủ hậu thuẫn, đã đến Mỹ vào tháng 4 năm nay để học cách sử dụng “Phần mềm giám sát mạng xã hội dựa theo vị trí” (Location Based Social Network Monitoring System Software).
Ngay cả Anh và Mỹ cũng đang giám sát những nhà hoạt động xã hội. Ví dụ, Cục Quản lý Nhập cư và Hải quan của Mỹ sử dụng “mạng xã hội ở thành phố New York để thu thập thông tin về các nhóm phản đối chính sách nhập cư và chính sách kiểm soát súng của chính quyền”.
Phú Uy (Thanh Niên)