TN - Đất & Người

Gắn kết nỗi nhớ nơi biên cương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xuân về, Tết trong tâm thức người Việt ai cũng mong được gần gũi trong tình thương  yêu của gia đình và người thân. Song, với nhiệm vụ đặc thù của các cán bộ, chiến sĩ biên phòng, vào những thời khắc thiêng liêng của đất trời, họ vẫn giữ vững vị trí và luôn chắc tay súng nơi biên cương Tổ quốc. Cho nên, xây dựng những hoạt động thiết thực gắn kết yêu thương cũng là một nhiệm vụ của các đơn vị biên phòng.

Đồn là nhà, biên giới là quê hương

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang thăm cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia O. Ảnh: Lê Nhung
Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang thăm cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia O. Ảnh: Lê Nhung



Chiều cuối năm, chúng tôi lại xách ba lô ngược lên biên giới. Những ngày này, gió mùa đông cứ rào rạt trên khắp các triền đồi, cỏ lông chồn phỡn chí trên những con đường mòn mà chúng tôi đi qua trong tiết trời se lạnh. Một cảm xúc đến nao lòng với những ai đã một lần xa nhà vào những ngày Tết. Bởi vậy, trong tâm trí của người lính, nhất là các chiến sĩ trẻ quân hàm xanh trong những ngày này với họ cũng thường trực nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, mong đợi từng tin nhắn, từng cách thư gia đình để thêm động lực niềm tin vững chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Chiến sĩ Ksor Hào, năm nay vừa tròn 21 tuổi và đã có năm rưỡi tuổi lính ở Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai), chia sẻ những cảm xúc rất thật: “Em đã qua một cái Tết xa nhà. Dù ở đơn vị có các anh, các chú trong đơn vị động viên như em út trong nhà và tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi nhưng cũng khó cắt nghĩa được nỗi nhớ nhà. Nhớ nhà đến muốn khóc. Nói thật, lúc ấy nếu có tin nhắn đến là một niềm vui khó tả. Những lúc ấy nhìn các anh, các chú ở đơn vị vẫn cần mẫn với công việc em lại vững lòng hơn. Được cái, mỗi cuối tuần, đơn vị lại tạo điều kiện để em và các chiến sĩ trẻ được thoải mái điện thoại về gia đình, nói chuyện, thăm hỏi ba mẹ và 2 em trai”. Hào còn cho biết, em nghỉ học giữa chừng năm lớp 11 rồi phụ giúp gia đình chăm sóc cà phê, cao su ở làng Hrang, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ. Hào chưa một lần đi xa nên cái nhớ về gia đình là lẽ tự nhiên trước khi vào quân ngũ. Song, đối với Hào đã thêm một niềm vui lớn là mẹ đã hai lần lên đơn vị thăm. “Mẹ còn khen em chững chạc hơn ở nhà. Khi em kể về cuộc sống học tập, huấn luyện, ăn ngủ và tác phong trực chiến ở đơn vị thì mẹ em càng yên tâm, không còn phải lo lắng như lúc ở nhà”-Ksor Hào tự tin với nụ cười thường trực.

Nhập ngũ cùng đợt với Ksor Hào và cùng nhận nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng Ia O nhưng nhìn chiến sĩ Trần Duy Long có vẻ cương nghị hơn so với tuổi 20. Nhà cách đơn vị chỉ 60 km (thôn Thanh Bình, xã Ia Bă, huyện Ia Grai-P.V) nhưng Long cũng chưa về dịp Tết. Long xác định là chiến sĩ biên phòng phải trực sẵn sàng chiến đấu, thậm chí phải thực hiện tuần tra giữa đêm khuya nơi khu vực biên giới khi có mệnh lệnh. Lần đầu tiên xa nhà, Long cũng có cảm xúc như nhiều chiến sĩ trẻ: “Gần đến Tết, đơn vị tổ chức gói bánh chưng làm tụi em nhớ nhà da diết. Nhưng bù lại, tối đến bên bếp lửa bập bùng của nồi bánh chưng xanh, chúng em tổ chức thi hái hoa dân chủ, đàn, hát, thi kể chuyện cho nhaunghe… làm vơi đi nỗi nhớ về gia đình. Cận Tết, đơn vị tổ chức trang trí phòng khách làm không khí thêm sôi nổi. Nỗi nhớ ấy càng da diết bao nhiêu thì anh em chiến sĩ tụi em càng cảm thấy tự hào vì nhiệm vụ thiêng liêng cao cả của người lính bấy nhiêu!”-Trần Duy Long tự hào và cho biết thêm, tuy điều kiện cuộc sống ở đồn biên giới vẫn còn nhiều khó khăn nhưng chưa bao giờ đơn vị bỏ bữa cơm tất niên, thậm chí còn tăng thêm chất lượng bữa ăn. Mọi người cảm thấy thật vui vẻ khi cùng nhau chuẩn bị cho bữa cơm tất niên với thịt, cá, rau, trứng, dưa hành, bánh chưng và ai cũng cảm thấy đầm ấm, ý nghĩa như đang đón Tết cùng gia đình.

Xuân này biên giới gần hơn

 Bộ đội biên phòng tuần tra trên đường biên giới. Ảnh: Lê Nhung
Bộ đội biên phòng tuần tra trên đường biên giới. Ảnh: Lê Nhung



Vì nhiệm vụ thiêng liêng Tổ quốc, khi Xuân về, Tết đến các chiến sĩ biên phòng phải xa gia đình để ở lại đơn vị, ở lại với biên cương, với đồng đội. Cái Tết tuy thiếu hơi ấm người thân nhưng họ lại có gia đình lớn hơn đó là đồng đội và hậu phương phía sau đang bình yên, sum vầy. Chính vì thế, những năm qua, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanhđã có nhiều hình thức sinh hoạt mỗi khi Tết đến Xuân về để cán bộ, chiến sĩ ở lại trực Tết nguôi ngoai nỗi nhớ nhà. Đơn vị đã sắp xếp, bố trí thời gian các ca gác, trực sẵn sàng chiến đấu ngắn hơn để các cán bộ, chiến sĩ đều được vui Tết.Nhiều năm nay, ở lại trực Tết là nhiệm vụ thường xuyên của Thượng tá Đinh Hữu Ninh-Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên của Đồn. “Trong không khí của ngày Xuân, người lãnh đạo chỉ huy đơn vị cần gần gũi chia sẻ với đồng chí, đồng đội. Khi ấy,mình như những người anh, người chú trong gia đình đểkhông khí đêm giao thừa nơi biên cương ấm hơn. Ở lại với đơn vị, với anh em dịp này là trách nhiệm, nghĩa vụ và cũng là bổn phận của người chỉ huy đối với đồng đội. Qua đó, động viên anh em thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ bình yên khu vực biên giới, để nhân dân vùng nội địa đón Tết trong yên bình”-Thượng tá Đinh Hữu Ninh chia sẻ.
 

Thượng tá Phạm Hữu Tàm-Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia O: Trực sẵn sàng chiến đấu là nhiệm vụ thường xuyên, đặc biệtlà những dịp lễ, Tết. Đối với các chiến sĩ trẻ lần đầu đón Tết xa nhà, chúng tôi quan tâm, động viên và tổ chức cho các chiến sĩ đầm ấm như ở nhà. Riêng cán bộ, chiến sĩ trực ở các điểm chốt quan trọng thì cán bộ chỉ huy đơn vị đều có mặt đón Tết cùng đồng đội khi phút giao thừa đến.

Binh nhất Thiều Quang Nhất-chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, quê ở xã Yên Phong, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, theo chú vào Gia Lai lập nghiệp sau đó thực hiện nghĩa vụ tại đơn vị, lần đầu tiên đón Tết xa nhà không dấu được những cảm xúc: “Năm nay em được đơn vị cho về nhà ăn Tết cùng gia đình, nhưng em tình nguyện ở lại cùng đồng đội bảo vệ đường biên, cột mốc, bảo vệ cho nhân dân bình yên đón Xuân.Em đã nghe các đồng đội kể về không khí đón Tết nơi miền biên giới. Đồng bào các dân tộc nơi đây sẽ cùng đón giao thừa với Bộ đội Biên phòng, tiếng cồng, tiếng chiêng, rượu cần và ánh lửa bập bùng đã làm cho đêm giao thừa thêm thiêng liêng. Đây sẽ là kỷ niệm quý giá nhất của em trong đời quân ngũ”.

Để Tết nơi biên cương gần hơn, hàng năm, đảng bộ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm tới các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi biên cương. Ông Hồ Đình Kỳ-Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) cho biết: Hàng năm cứ dịp Tết đến là chính quyền xã cùng các tổ chức đoàn thể đến thăm hỏi, động viên các cán bộ chiến sĩ đang trực sẵn sàng chiến đấu để động viên anh em đang làm nhiệm vụ. Sự có mặt của chính quyền và nhân dân làm cho mùa Xuân biên giới trở nên gần hơn”…

*

*      *


Chuyện đón Tết nơi miền biên viễn là những kỷ niệm không bao giờ quên với mỗi người lính, vui có, buồn có. Và cũng có những câu chuyện về nỗi nhớ biên cương, nhớ đồng đội của những người được về nhà đón Tết cùng gia đình. Được gần nhà vui, nhưng những hình ảnh ngày Tết ở đơn vị khiến họ không thể quên, đó là hình ảnh khi giao thừa từ biên cương nhìn về phố thị không khí xuân tràn ngập nơi nơi, hình ảnh đồng đội ôm súng đi tuần trong giờ phút đất trời giao hòa hay tiếng báo động sẵn sàng chiến đấu.

Lê Nhung – Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm