Kinh tế

"Gắn sao" sản vật địa phương trong tỉnh Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cà phê bột, khoai lang Lệ Cần, cá lăng sông Sê San, thịt bò một nắng Krông Pa, mật ong rừng, nấm linh chi, tinh bột nghệ, hồ tiêu Lệ Chí… từ lâu đã được xem là những sản vật đặc trưng của các địa phương trong tỉnh Gia Lai. Sau gần 1 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), những sản vật này đã được nâng tầm, mở ra cơ hội tiếp cận với thị trường rộng lớn.

 

Phòng thí nghiệm Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku). Ảnh: Đ.T
Phòng thí nghiệm Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku). Ảnh: Đ.T

Ở tuổi 70, lão nông Bùi Văn Dưỡng (thôn 2, xa Tân Bình, huyện Đak Đoa) vẫn hăng say công việc ruộng vườn, đặc biệt là trồng và giữ giống khoai lang Lệ Cần gốc để không bị lai tạp bởi những giống khác. Ông Dưỡng cho hay: Khoai lang Lệ Cần trồng ở xã Tân Bình có vỏ đỏ, ruột vàng, chất lượng thơm ngon. Nhưng vẫn giống khoai này khi trồng ở vùng đất lân cận thì chất lượng lại không bằng. Thấy năng suất và chất lượng giống khoai này rất tốt, người dân rất thích ăn nên ông bắt đầu nhân giống cung cấp cho bà con trong vùng.

Khoai lang Lệ Cần là một trong nhiều sản vật nổi tiếng của tỉnh được người tiêu dùng gần xa biết đến. Để nâng tầm các sản vật này, cách đây gần 1 năm, tỉnh đã triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Theo đó, các địa phương trong tỉnh đã khảo sát, đánh giá chất lượng và lựa chọn sản phẩm để đầu tư nâng cấp thành sản phẩm OCOP gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Nhiều sản phẩm như: hạt điều, cà phê bột, thanh long sấy, mít sấy (TP. Pleiku); khoai lang Lệ Cần, hồ tiêu sạch Lệ Chí, thịt bò khô (huyện Đak Đoa); gạo (huyện Phú Thiện); cao đinh lăng, cà phê hạt rang (huyện Chư Prông); hạt mắc ca, măng le rừng (huyện Kbang); nước cốt chanh dây, gạo Ba Chăm (huyện Mang Yang); tinh bột nghệ (huyện Chư Pưh); thịt bò một nắng (huyện Krông Pa); mật ong (huyện Ia Grai); đông trùng hạ thảo (huyện Chư Pah)… qua đó đã không ngừng được nâng cao về chất lượng, mẫu mã để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

 Ruộng khoai lang Lệ Cần. Ảnh: Ảnh internet
Ruộng khoai lang Lệ Cần. Ảnh: Ảnh internet



Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Gia Lai, sau gần 1 năm thực hiện Chương trình OCOP, đã có 47 sản phẩm đặc trưng của 11 huyện, thành phố được lựa chọn gửi Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh để đánh giá, phân hạng. Để đảm bảo tính công bằng, Hội đồng cấp tỉnh đã mời chuyên gia tư vấn Trung ương về đánh giá, phân hạng 47 sản phẩm theo Bộ tiêu chí tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả, đã có 41/47 sản phẩm được chấm đạt 3-4 sao. Điều đáng mừng là trong số này có nhiều sản phẩm của các hợp tác xã nông nghiệp. Kết quả này cho thấy, việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP đã tạo mối liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa hợp tác xã với nông dân để khai thác tiềm năng, thế mạnh từ những sản vật của các địa phương nhằm tạo ra chuỗi giá trị sản xuất riêng biệt.

Khoai lang Lệ Cần. Ảnh: Ảnh internet
Khoai lang Lệ Cần. Ảnh: Ảnh internet
Mật ong Phương Di. Ảnh internet
Mật ong Phương Di. Ảnh internet
 Bò một nắng Krông Pa. Ảnh internet
Bò một nắng Krông Pa. Ảnh internet



Ông Lê Văn Dân-Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Ong mật Gia Lai, đơn vị có sản phẩm mật ong hoa cà phê được đánh giá đạt 4 sao-cho hay: “Là đơn vị quản lý hơn 2.000 đàn ong giống Ý, ngoài ra còn liên kết với người nuôi ong tại các huyện Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông và Chư Pah, Công ty thực hiện liên kết với một đơn vị tại TP. Hồ Chí Minh để xuất khẩu sản phẩm mật ong sang thị trường Mỹ. Nhờ đó, sản phẩm mật ong của Công ty ngày càng được người tiêu dùng tín nhiệm”.

Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) có đến 3 sản phẩm hồ tiêu chế biến đạt 4 sao. Không chỉ liên kết với nông dân sản xuất hồ tiêu hữu cơ, chế biến ra những sản phẩm chất lượng cao để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Hợp tác xã còn tiên phong đi tìm những đối tác chuyên thu mua nông sản hữu cơ như Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice, Công ty Gia vị Sơn Hà, Công ty TNHH Hồ tiêu Việt… Bên cạnh đó, quá trình tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, Hợp tác xã đã gặp gỡ trao đổi với các công ty xuất nhập khẩu hồ tiêu lớn của Việt Nam để tìm hiểu nhu cầu thị trường tiêu thụ. Sản phẩm hồ tiêu Lệ Chí được Hợp tác xã đầu tư nâng tầm từ sản xuất đến chế biến tạo mẫu mã hấp dẫn và đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bảo hộ. Ngoài ra, Hợp tác xã còn đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp sạch khác như măng le Lệ Chí, khoai mật... để phục vụ thị trường trong và ngoài nước.

Ông Trần Văn Văn-Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh-cho hay: Sau gần 1 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP gắn với phát triển các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhiều địa phương đã chọn lựa được những sản phẩm đặc trưng để đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ. Điều đáng mừng là cả 47 sản phẩm đặc trưng đã được các địa phương đánh giá, phân hạng theo đúng Bộ tiêu chí quốc gia. Hy vọng rằng trong năm tới, nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh sẽ tiếp tục được gắn sao để tạo chỗ đứng trên thị trường, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.  


Ông Trần Kiên-chuyên gia tư vấn về OCOP của Trung ương: Chương trình OCOP mới triển khai được gần 1 năm. Đến nay, Gia Lai là một trong 10 tỉnh, thành của cả nước có các sản phẩm OCOP để đánh giá, phân hạng. Đây là tín hiệu rất khả quan. Sản phẩm OCOP của địa phương rất phong phú và đa dạng nhưng cần đẩy mạnh áp dụng khoa học và công nghệ vào chế biến sâu để tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm. Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hoạt động hỗ trợ, tư vấn và đầu tư cho các chủ thể ở nhiều lĩnh vực về OCOP; hoàn thiện tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì, truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ xúc tiến, quảng bá thương mại và tiếp cận các kênh tiêu thụ trong và ngoài nước... Có như vậy, các sản vật của Gia Lai sẽ vươn tầm ra thị trường thế giới.


NGUYỄN DIỆP







 

Có thể bạn quan tâm