Giải trí

Âm nhạc - Điện ảnh

Gen Z hát nhạc Trịnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Với tên gọi đêm nhạc "Đối thoại Trịnh Công Sơn - Tình yêu tìm thấy", chương trình muốn truyền đi một thông điệp về sự đối thoại giữa hậu thế với vị nhạc sĩ họ Trịnh.

Đêm nhạc do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chủ trì, là một sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình Tuần lễ Festival Nghệ thuật quốc tế Huế 2024. Chương trình âm nhạc "Đối thoại Trịnh Công Sơn - Tình yêu tìm thấy" sẽ diễn ra vào tối 9-6 tại điện Kiến Trung.

Đối thoại với nhạc Trịnh

Tại "Đối thoại Trịnh Công Sơn - Tình yêu tìm thấy", khán giả sẽ cùng đối thoại với nghệ sĩ, cũng như đối thoại với chính mình, từ đó giá trị của nhạc Trịnh lại được tiếp nối, truyền trao giữa các thế hệ. Đêm nhạc có sự tham gia của các giọng ca Cẩm Vân, Trần Mạnh Tuấn, Quang Dũng, Hà Trần, Đức Tuấn, Ngọc Khuê, Tấn Sơn, Viết Thu, An Trần...

Đây cũng là đêm nhạc đầu tiên được tổ chức tại không gian đặc biệt về mặt lịch sử, văn hóa và kiến trúc - điện Kiến Trung. Công trình được phục dựng hoàn tất vào đầu năm 2024. Đêm nhạc mang thông điệp về sự đối thoại giữa hậu thế với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua âm nhạc, thơ ca. Đêm nhạc sẽ có những bản phối mới, sự kết hợp mới, để kể câu chuyện về nhạc Trịnh trong đời sống hôm nay.

Mỹ Anh, con gái Mỹ Linh, hát nhạc Trịnh tạo nhiều chú ý. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Mỹ Anh, con gái Mỹ Linh, hát nhạc Trịnh tạo nhiều chú ý. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

"Tình yêu tìm thấy" là tên một sáng tác ít phổ biến gần đây của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Lựa chọn tên ca khúc này đặt cạnh cuộc đối thoại, những người làm chương trình cũng hy vọng có thể tạo ra cuộc đối thoại mới mẻ giữa những bản nhạc quen thuộc với những bản phối mới, những cuộc gặp gỡ thú vị trong âm nhạc.

Theo đại diện ban tổ chức, các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vốn dĩ đã quá quen thuộc với nhiều thế hệ khán giả, là di sản âm nhạc cho hiện tại và thế hệ mai sau. Những năm gần đây, nhạc Trịnh được "thổi hồn" bằng những chất liệu âm nhạc mới mẻ, đó có thể là chất ngũ cung dân gian, chất nhạc điện tử hoặc dàn giao hưởng cổ điển, chất jazz đương đại...

Những thế hệ giọng ca mới hát nhạc Trịnh ngày càng nhiều song vẫn còn luồng dư luận trái chiều về cách thể hiện của nhiều người trong số họ hay sự sáng tạo mới mẻ của các giọng ca trẻ. Với những khán giả trung thành với nhạc Trịnh, mọi sự thay đổi có thể tạo nên cảm giác khó chịu, khó chấp nhận.

Nhạc Trịnh cần thay "áo mới"

Người trẻ hẳn sẽ cảm nhạc Trịnh theo cảm thức thời đại của mình. Để từ đó, họ sẽ có những đổi mới nhạc Trịnh một cách thức thời hơn với khán giả yêu nhạc trẻ tuổi hiện tại. Trong đó, thành công nhất có thể nhắc đến là rapper Hà Lê với dự án "Trịnh Contemporary". Bằng cách đặt âm nhạc Trịnh Công Sơn trong cảm hứng đương đại, Hà Lê đã đưa đến một chiều không gian khác, một "màu Trịnh" khác, một "hồn Trịnh" đã chinh phục đông đảo công chúng mộ điệu nhạc Trịnh.

Hà Lê cho biết khi thực hiện dự án này, anh muốn hướng đến tinh thần đương đại, tự do, phóng khoáng để nhạc Trịnh đến gần hơn với công chúng trẻ hôm nay. Hà Lê và các cộng sự đã mạnh dạn cách tân khi sáng tác thêm phần lời (đọc rap) và pha trộn những phong cách, loại hình nghệ thuật thời thượng.

Chân dung nghệ sĩ đương đại vừa hát, nhảy, đọc rap của Hà Lê trên nền RnB, world music, EDM, reggae đã mở ra một diện mạo nhạc Trịnh khác, một không gian nhạc Trịnh khác: tươi mới, mộng ảo nhưng không kém phần trữ tình, sâu sắc. Sự liều lĩnh của Hà Lê đang nhận được những phản hồi tích cực từ công chúng trẻ. Thay vì cover nhạc Trịnh như cách các ca sĩ Việt Nam vẫn làm, Hà Lê đóng góp nhiều sáng tạo vào bản gốc (remake), nhờ thế, những nhạc phẩm bất hủ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua giọng hát và không gian sáng tạo của Hà Lê tạo nên sự bất ngờ và sống động.

Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh bày tỏ: "Tôi ngạc nhiên về những gì Hà Lê làm. Lạ nhưng sang trọng và vẫn giữ được tinh thần Trịnh Công Sơn. Tiếng hát của Khánh Ly, Hồng Nhung… rất hay nhưng đôi khi không dễ dàng chạm đến trái tim thế hệ trẻ. Để tìm ra được một đường đi mới nhưng vẫn giữ được tinh thần của người nhạc sĩ trong tác phẩm, điều đó rất khó. Tôi tin anh Sơn cũng sẽ rất thích âm nhạc của Hà Lê. Gia đình tôi hoàn toàn ủng hộ việc làm này của cậu ấy".

Giang Trang cũng là một cái tên ấn tượng khi cô lựa chọn cách tiếp cận nhạc Trịnh với tư tưởng riêng. Ngay từ khi xuất hiện, giọng hát trong trẻo, phong cách giản dị, mộc mạc và tự do của Trang đã mang đến một nét riêng.

Cặp đôi Hoàng Trang và Nguyễn Đông với tinh thần của những kẻ du ca gợi nhớ đến vẻ đẹp nguyên sơ, tinh khiết của nhạc Trịnh. Họ cùng nhau đi khắp mọi miền đất nước, hát nhạc Trịnh cho mọi người nghe. Tự do, phiêu lãng nhưng với một tinh thần trẻ trung, phóng khoáng, Hoàng Trang và Nguyễn Đông gợi nhớ về hình ảnh du ca của Trịnh Công Sơn và Khánh Ly.

Khán giả còn thấy Hoàng Dũng, Suni Hạ Linh, Mỹ Anh, Orange, Juky San, Kiên, Hoàng Duyên, Obito... hát nhạc Trịnh. Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh nói bà nghe hết những bạn trẻ, thế hệ gen Z hát nhạc Trịnh. "Các em hát lạ và tôi tôn trọng. Các bạn có quyền biểu đạt nhạc Trịnh theo cách mà các bạn nghĩ, miễn sao đừng đi quá giới hạn, làm bóp méo, sai lệch ca từ nhạc Trịnh". Bà cũng nói sinh thời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất cởi mở, thích cái mới, sự tươi trẻ.

Mới đây, Mỹ Anh - con gái ca sĩ Mỹ Linh và Anh Quân - làm mới bài "Nhìn những mùa thu đi" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thu hút sự chú ý của khán giả yêu nhạc. Mỹ Anh biết mình không đủ từng trải nhưng đổi lại bằng chất tươi mới của thế hệ gen Z, mang cho bài hát sắc màu jazz cổ điển, sang trọng, tối giản khiến người nghe tò mò.

Chính sự "dám thay đổi, dám làm mới" của người trẻ đã làm cho nhạc Trịnh tươi mới hơn, sắc màu hơn. Đó là một cách tương tác, một phương tiện chuyển tải hiệu quả nhạc Trịnh đến với khán giả trẻ hiện tại.

Có thể bạn quan tâm