Việc xem xét ghép phổi cho bệnh nhân 91 (nam phi công người Anh, tạm trú quận 2, TPHCM, hiện tiên lượng còn rất nặng sau nhiều ngày điều trị COVID-19), còn tuỳ thuộc vào nhiều khả năng.
Tại cuộc họp Tiểu ban Điều trị và Hội đồng Chuyên môn của Bộ Y tế chiều 7.5, Hội đồng chuyên môn đã đề nghị xem xét ghép phổi cho bệnh nhân 91.
Trong quá trình điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, bệnh nhân 91 đã được sử dụng thiết bị ECMO (thiết bị thay thế tim phổi) đã hơn 30 ngày, nếu lâu dài sẽ là môi trường cho vi khuẩn xâm nhập.
Đánh giá về phương pháp ghép phổi, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM - nơi bệnh nhân 91 đang điều trị - cho hay, việc ghép phổi vẫn còn tuỳ vào nhiều khả năng.
"Muốn ghép phổi phải chờ tình trạng phổi hết viêm nhiễm. Vì đang nhiễm trùng mà phẫu thuật sẽ gây nhiễm khuẩn máu toàn thân và nhiễm luôn mảnh ghép. Ngoài ra, còn phải có nguồn phổi hiến sẵn sàng mới thực hiện được" - bác sĩ Châu lý giải.
Nam phi công Anh xác định dương tính virus SARS-CoV-2 vào ngày 20.3, can thiệp ECMO đã hơn 1 tháng, thở máy qua mở nội khí quản 2 tuần.
Đây là bệnh nhân mắc COVID-19 nặng nhất hiện nay, diễn biến sức khỏe rất thất thường. Mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nhiều lần âm tính rồi dương tính trở lại.
Bệnh nhân bị rối loạn đông máu, mắc hội chứng "cơn bão cytokine", tức hệ miễn dịch phản ứng thái quá giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ. Bộ Y tế đã mua thuốc hiếm từ nước ngoài để điều trị rối loạn đông máu cho bệnh nhân.
TPHCM đến nay ghi nhận 55 ca nhiễm SAS-CoV-2. Trong số đó, 53 người khỏi bệnh xuất viện, 10 trường hợp tái dương tính nhập viện trở lại.
Theo ANH NHÀN (LĐO)