Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Ghi bên dòng Ia Lốp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 100 km từ TP. Pleiku lên đến đồn biên phòng Ia Lốp (xã Ia Mơr, huyện Chư Prông) quả là chặng đường vô cùng gian nan, nhất là đang trong mùa mưa. Phải mất gần 4 giờ đồng hồ vật lộn với những cung đường xóc nảy, lầy lội, trơn trượt… chúng tôi có mặt tại đồn cũng gần trưa. Và thật khó có thể hình dung, những người lính nơi đây đã làm thế nào để giữ vững “phên giậu” biên cương nơi “chảo lửa” nóng rát và khô khát này.
 

Dẫu đang là mùa mưa, song chúng tôi cũng phần nào cảm nhận được cái nóng đặc trưng của miền biên viễn. Cái nóng mà chỉ cần đứng im một nơi trong bóng mát lưng áo vẫn thấm đẫm mồ hôi. Cái nóng mà các chiến sĩ vẫn nói vui rằng, chỉ cần sống được ở nơi đây qua một mùa khô là có thể sống được ở bất cứ nơi nào. Không chỉ nóng, nơi đây còn được mệnh danh là vùng đất khát, vào mùa khô nguồn nước trở nên vô cùng quý hiếm. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu thành lập đơn vị, nguồn nước luôn được ưu tiên hàng đầu.

Ảnh: Phương Dung

Thượng tá Nguyễn Trung Đạt-Chính trị viên Đồn biên phòng Ia Lốp chia sẻ rằng: thời gian đầu, mọi sinh hoạt của cán bộ-chiến sĩ chủ yếu dựa vào nguồn nước sông, suối và hồ chứa tự nhiên cách đơn vị không xa. Nhưng nguồn nước này cũng phải lọc qua 2 đến 3 lần mới dám sử dụng. Đấy là nước dùng trong sinh hoạt, còn nước dùng trong việc nấu nướng, ăn uống cho toàn đơn vị hoàn toàn phụ thuộc vào lượng “nước trời cho”. Biết rõ điều này nên ngay từ những ngày thành lập, đơn vị đã đầu tư xây dựng 4 bể chứa nước mưa với dung lượng 120 m3/bể. Ngoài ra, cứ bắt đầu mùa mưa, đơn vị lại huy động tất cả những vật dụng có thể đem ra hứng nước mưa để sử dụng dần trong những tháng mùa khô.

Có thời điểm, để tránh việc cán bộ, chiến sĩ sử dụng lãng phí nguồn nước, ở mỗi bể chứa nước mưa đều có ghi dòng chữ rất lớn “bể nước uống không được dùng vào việc khác”. Điều đó tạo cho anh em một thói quen, sử dụng nguồn nước vừa đủ tránh việc không dùng hết để dư thừa, lãng phí… Song có lẽ điều khiến anh em nhiều năm gắn bó với các đồn, chốt nơi biên giới thở phào nhẹ nhõm chính là sự “miễn dịch” của cơ thể với nguồn nước. Vì đến thời điểm hiện tại, thật may không có anh em nào bị ghẻ lở và càng may hơn khi thế hệ thứ hai không có cháu nào bị ảnh hưởng. Cách đây gần 5 năm, đơn vị đã được đầu tư các giếng nước để đảm bảo nước sinh hoạt cho cán bộ, chiến sĩ nhưng rồi nguồn nước ở đây bị nhiễm vôi nên đến nay nước mưa vẫn là chính.

Những tưởng sống trên vùng đất khát sẽ khiến cho cuộc sống, cảnh vật nơi đây trở nên khô khát, cằn cỗi. Ấy thế nhưng, bằng cách tiết kiệm và tận dụng tối đa nguồn nước, những người lính bên dòng Ia Lốp đã  biến điều tưởng chừng bất hợp lý thành hợp lý: từ một đồn “đệ nhất nóng” thành “đệ nhất xanh”. Nói thì nghe có vẻ đơn giản nhưng để có thể duy trì được màu xanh này, không ít lần cán bộ, chiến sĩ đối diện với thất bại.

Thất bại vì nhiều cây giống đem về không thể chịu nổi sự đỏng đảnh của khí hậu; thất bại vì chưa biết tiết chế nguồn nước vào mùa mưa dẫn đến ngập úng, thối rễ… Dù vậy, toàn đơn vị vẫn luôn nêu cao quyết tâm, dù khó khăn đến đâu cũng phải giữ cho được “lá phổi” của đồn dẫu cho việc chăm sóc có lắm công phu. Sau cùng sự kiên trì của những người lính đã thắng. Họ đã kiến tạo nên một không gian xanh góp phần xua đi cái khô khát, khắc nghiệt của miền biên giới.

Màu xanh ấy đến từ hệ thống cây xanh, cây si, lộc vừng, bằng lăng được tạo dáng và phân bổ hài hòa trong khuôn viên rộng lớn của đơn vị. Hay màu xanh của hàng trăm giò phong lan đủ loại được chăm sóc cẩn thận ngay bên cạnh ngôi nhà bát giác. Kế tiếp là màu xanh của vườn cây ăn trái, vườn rau tăng gia và xa hơn nữa là màu xanh tít tắp của 30 ha cao su vừa bước sang năm thứ 4. Màu xanh của cỏ cây hòa với màu xanh của áo, tất cả đã tạo nên một “chấm xanh” mang tên Ia Lốp giữa núi rừng biên giới Chư Prông. Và chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ khiến những người lính nơi đây cảm thấy thật tự hào!

Đêm trên biên giới thật bình yên. Ánh trăng bàng bạc rọi xuống khiến cho mọi thứ đều trở nên lung linh, huyền ảo. Và trong khung cảnh ấy, nghe chính những người lính bên dòng Ia Lốp kể lại câu chuyện xảy ra cách đây gần 2 năm khiến tôi cứ ngỡ như mình đang nghe chuyện cổ tích. Đó là một ngày tháng 9, trời mưa rất to khiến cho nước từ sông Ia Lốp và suối Ia H’leo bỗng chốc dâng cao ngập hết nhà dân phía đối diện Campuchia. Phần vì nước dâng quá nhanh, phần do người dân chủ quan nên không kịp di dời và bị mắc kẹt lại trong nước lũ. Trong số 19 người bị mắc kẹt ấy thì chủ yếu là phụ nữ và trẻ nhỏ. Chứng kiến người dân nước bạn Campuchia đang hoảng loạn, la hét, cầu cứu, những người lính biên phòng Ia Lốp đã chẳng quản ngại khó khăn, nguy hiểm lao mình xuống dòng nước lũ để cứu người đưa qua lánh nạn bên chốt suối Đen. Vừa phải dùng hết sức để bơi nhanh qua dòng nước lũ, các anh còn phải làm công tác tư tưởng để trấn an các cháu nhỏ đang trong cơn sợ hãi, phải ngồi vững, bám chắc vào các phao bơi. Phải mất gần 7 giờ đồng hồ dầm mình trong nước lũ, cuối cùng 14 cán bộ, chiến sĩ của đồn cũng đã đưa được 19 người dân Campuchia về lánh nạn ở chốt an toàn, dù rằng ngay sau đó đã có người ngất đi vì kiệt sức.

Sau khi đưa người dân về đến nơi an toàn, các anh còn nhường cơm, nhường nơi ở để người dân lánh nạn. Đồng thời, cán bộ quân y của đồn cũng lần lượt thăm khám sức khỏe cho từng người, nhất là các cháu nhỏ để tránh trường hợp bị nhiễm lạnh… 3 ngày sau, khi nước tại các sông, suối rút xuống, 19 người dân đã được cán bộ của đồn trực tiếp đưa trở lại nơi ở cũ và giúp ổn định cuộc sống. Câu chuyện mà những người lính bên dòng Ia Lốp đã cứu thoát 19 người dân Campuchia khỏi dòng nước lũ cách đây gần 2 năm một lần nữa giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về tình hữu nghị của quân-dân hai bên biên giới.  

…Câu chuyện và hình ảnh về những người lính bên dòng Ia Lốp đã giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về tình quân-dân được ví như cá với nước. Để rồi câu chuyện ấy, hình ảnh ấy cứ thế theo tôi chìm vào giấc ngủ bình yên nơi biên viễn. Và khi ngày mới bắt đầu, chúng tôi lại tiếp tục trải nghiệm chuyến hành trình trên những cung đường tuần tra để đến với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Mơr.

 Phương Dung

Có thể bạn quan tâm