TN - Đất & Người

Ghi nhận từ tâm chấn động đất ở Kon Tum: Nhiều trụ sở bị hư hại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 29.7, PV Thanh Niên đã có mặt tại tâm chấn động đất ở Kon Tum để ghi nhận tình hình thiệt hại ở đây.

Theo Viện Vật lý địa cầu, tính từ 0 giờ đến 15 giờ 32 phút ngày 29.7, trên địa bàn H.Kon Plông (Kon Tum) đã ghi nhận thêm 24 trận động đất. Các trận động đất lần lượt có độ lớn từ 2,5 - 3,2 độ Richter.

Trước đó, chỉ trong ngày 28.7, cơ quan này đã ghi nhận 21 trận động đất trên địa bàn H.Kon Plông. Trong đó có một trận động đất mạnh 5,0 độ Richter, đây là trận động đất mạnh nhất được ghi nhận tại Kon Tum.

Ông A Đơi cho biết động đất xuất hiện từ khi thủy điện hoạt động. Ảnh: Đức Nhật

Ông A Đơi cho biết động đất xuất hiện từ khi thủy điện hoạt động. Ảnh: Đức Nhật

Nhà cửa rung lắc dữ dội

Ngày 29.7, PV Thanh Niên đã có mặt ở xã Đăk Tăng, H.Kon Plông (Kon Tum), nơi được coi là tâm chấn của những đợt động đất liên tục trong 2 ngày qua. Ông Đinh Văn Trói (42 tuổi, ở thôn Vi Rinh, xã Đăk Tăng) cho biết, trưa 28.7, sau bữa cơm trưa, khi ông đang chuẩn bị đi ngủ thì thấy nhà cửa rung lắc dữ dội, dưới lòng đất phát ra những tiếng nổ đùng đoàng. Khi bình tĩnh lại ông mới chạy ra khỏi nhà.

"Trong 20 giây, căn nhà nghiêng qua nghiêng lại. Mấy giây đầu nhà cửa chỉ rung lắc nhẹ nhưng tiếp sau đó thì rung lắc mạnh hơn. Tôi cảm giác chao đảo, chóng mặt như người say rượu", ông Trói nói.

Có đến 21 trận động đất trong ngày 28.7, dư chấn lan rộng chưa từng có

Còn ông A Đơi (28 tuổi, ở làng Vi Rinh, xã Đăk Tăng) cho biết, trước đây, dân làng sinh sống ở gần lòng sông Đăk Snghé. Sau khi thủy điện Thượng Kon Tum được đầu tư, xây dựng, dân làng mới chuyển về đây theo diện tái định cư vào năm 2015. Thời gian đầu người dân vẫn sinh sống bình thường. Tuy nhiên kể từ năm 2021, khi thủy điện tích nước thì những trận động đất mới bắt đầu xảy ra. Đời sống của người dân cũng bởi vậy mà gặp nhiều xáo trộn.

"Thời gian gần đây thấy động đất ngày một nhiều và mạnh hơn. Nhưng 3 năm qua người dân chúng tôi đã quen với động đất nên cũng không còn hoảng sợ như trước", ông A Đơi nói.

Nhiều trụ sở bị hư hại

Ông Trịnh Xuân Hùng, nhân viên Trạm quản lý rừng bảo vệ rừng Đăk Kôi 2, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Rẫy cho biết, vào thời điểm xảy ra trận động đất mạnh 5,0 độ Richter, ông đang nghỉ trưa ở phòng riêng.

Trụ sở Trạm quản lý bảo vệ rừng Đăk Kôi 2 bị nứt toác sau động đất. Ảnh ĐỨC NHẬT

Trụ sở Trạm quản lý bảo vệ rừng Đăk Kôi 2 bị nứt toác sau động đất. Ảnh ĐỨC NHẬT

"Lúc hơn 11 rưỡi, tôi đang ở trạm thì cả trụ sở rung lắc. Có cảm giác như cả tòa nhà nghiêng ngả. Lúc đó tôi không biết làm gì hơn nên chỉ nằm yên trên giường. Sau khi rung chấn qua đi, tôi mới chạy ra khỏi phòng. Động đất qua đi, tôi vào phòng thì phát hiện vết nứt kéo dài hơn 1 m", ông Hùng kể lại.

Ngày 29.7, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Thanh Bình, Phó trưởng ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn H.Kon Plông cho biết, hiện chưa có thiệt hại về người sau các vụ động đất liên tiếp. Theo thống kê chưa đầy đủ, tại xã Măng Bút, một hộ dân bị rung chấn khiến tivi bị rơi vỡ, hư hỏng hoàn toàn. Tại xã Đăk Ring có 2 trụ sở bị rạn nứt các vách ngăn tường là điểm trường THCS và trạm y tế xã. Tại xã Đăk Nên, điểm trường mầm non, phòng làm việc công an xã có vết rạn nứt nhỏ ở vách ngăn. Trong đó, phòng làm việc của công an xã này vừa được được xây dựng năm 2024.

Vết nứt kéo dài tại trụ sở Trạm quản lý bảo vệ rừng Đăk Kôi 2. Ảnh ĐỨC NHẬT

Vết nứt kéo dài tại trụ sở Trạm quản lý bảo vệ rừng Đăk Kôi 2. Ảnh ĐỨC NHẬT

Trước tình hình động đất diễn ra tăng về tần suất, độ lớn, ông Lê Ngọc Tấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị theo dõi, ứng phó động đất trên địa bàn H.Kon Plông. Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đề nghị Công ty CP thủy điện Thượng Kon Tum, Công ty CP thủy điện Đăk Đrinh, Công ty CP thủy điện Thiên Tân theo dõi chặt chẽ tình hình dư chấn động đất. Từ đó, kịp thời thông tin đến các cơ quan, chính quyền địa phương và người dân trên địa bàn để chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Ngoài ra, các thủy điện này phải tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình động đất tương ứng đến mực nước dâng hồ thủy điện do đơn vị quản lý, báo cáo về Sở Công thương, Sở TN-MT, Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum. Các công ty này phải tổ chức kiểm tính ứng với các trường hợp giả định các cấp động đất khác nhau và các mực nước hồ từ ngưỡng tràn đến mực nước dâng bình thường tại công trình thủy điện. Trên cơ sở đó, rà soát, bổ sung quy trình vận hành, ứng phó động đất để bảo vệ an toàn đập khi có xảy ra tình huống khẩn cấp hoặc sự cố gây mất an toàn đập.

Có thể bạn quan tâm