Sau khi dự Lễ khai giảng năm học 2021- 2022 qua sóng phát thanh- truyền hình, hơn 123.000 học sinh ở bậc học phổ thông trên địa bàn tỉnh bước vào tuần đầu tiên của năm học bằng hình thức học trực tuyến hoặc học theo nhóm, nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19. Với nhiều trường học, đây là lần đầu tiên nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến nên học sinh còn gặp không ít bỡ ngỡ, phụ huynh cũng gặp khó khăn trong việc giúp đỡ con em mình học tập theo hình thức mới.
Do tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và có nguy cơ bùng phát trong cộng đồng, việc ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức dạy và học trực tuyến cho học sinh khi bước vào năm học 2021-2022 được coi là phương án tối ưu. Bởi như thế nhà trường mới có thể vừa bảo đảm công tác phòng dịch Covid-19 cho học sinh, vừa bảo đảm triển khai chương trình dạy học theo đúng tiến độ.
Tuy nhiên, vấn đề nan giải trong việc học online là tình trạng nhiều học sinh ở địa bàn khó khăn còn thiếu phương tiện, thiết bị để học tập; ở vùng thuận lợi thì tình trạng nghẽn mạng, học sinh bị “kích ra” khỏi lớp học hoặc không thể đăng nhập được diễn ra khá phổ biến.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong những ngày học trực tuyến đầu tiên, mặc dù gặp một số trục trặc về đường truyền internet, nhưng cả giáo viên và học sinh của Trường THCS thị trấn Đăk Glei (huyện Đăk Glei) vẫn kịp thời nỗ lực khắc phục, duy trì nền nếp dạy và học theo hình thức mới này.
Thầy giáo Trịnh Văn Anh - Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Đăk Glei cho biết: Để đảm bảo chất lượng các buổi học trực tuyến, trước mỗi giờ học, Ban Giám hiệu nhà trường và các giáo viên chủ nhiệm đều có mặt tại các phòng học để kiểm tra số lượng học sinh, kịp thời gọi điện cho phụ huynh, đề nghị nhắc nhở các em vào học đúng giờ và phối hợp quản lý con em trong quá trình học. Tuy nhiên, trong những ngày đầu tiên dạy và học bằng hình thức online, nhà trường đã gặp một số khó khăn nhất định do đường truyền internet quá tải.
Nhiều giáo viên vùng khó khăn huyện Đăk Glei về tận nhà học sinh để dạy và giao bài tập cho học sinh. Ảnh: Đ.V |
“Để khắc phục tình trạng trên nhà trường kịp thời đầu tư nâng cấp đường truyền, kéo mạng về tận lớp và đầu tư thêm máy tính có cấu hình cao để tạo điều kiện cho giáo viên dạy học. Tuy nhiên, việc học không hoàn toàn suôn sẻ đối với học sinh, qua phản ánh của một số phụ huynh và giáo viên, nhiều em ở một số nơi có sóng yếu vẫn bị “out” khỏi lớp, khiến việc học của một số ít em đôi khi có gián đoạn”- thầy Trịnh Văn Anh cho biết thêm.
Chị Nguyễn Thị Linh Phương-phụ huynh học sinh ở thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi) than thở: Gia đình tôi hiện đang phải nuôi 3 con ăn học. Cháu lớn nhất năm nay học lớp 6, cháu giữa học lớp 3 và cháu nhỏ nhất năm nay vào lớp 1. Cả 2 vợ chồng tôi đều làm nông nghiệp nên cuộc sống khá chật vật. Để các con bước vào năm học mới, gia đình tôi cố gắng mua sắm đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập, giày dép, đồng phục cho các con. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 nên nhà trường thông báo dạy học bằng hình thức trực tuyến. Gia đình tôi cũng chẳng có tivi, rất may cả 2 vợ chồng có được 2 cái điện thoại thông minh, thế là ưu tiên cho 2 cháu nhỏ học trực tuyến. Còn cháu lớn phải đạp xe sang nhà bạn có máy tính để học nhờ. Cả 2 điện thoại đều đưa cho con học trực tuyến nên rất bất tiện và tốn thêm tiền lắp mạng internet mỗi tháng gần 200 ngàn đồng.
“Hiện tại, tỉnh Kon Tum chưa xuất hiện ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng nên tôi mong muốn ngành Giáo dục và Đào tạo xem xét cho các cháu học tập trung với điều kiện bảo đảm phòng dịch theo biện pháp “5K” theo quy định của ngành Y tế, như thế việc học của các em sẽ thuận tiện và chất lượng hơn”- chị Phương bộc bạch suy nghĩ của mình.
Em Trần Gia Khánh - học sinh Trường THCS Nguyễn Sinh Sắc (thành phố Kon Tum) cho biết: Dù gia đình em từ trước đến nay đã lắp đặt mạng internet nhưng không hiểu sao mỗi lần vào lớp thấy mất rất nhiều thời gian và thỉnh thoảng bị “kích ra ngoài”. Sau khi bố mẹ em có ý kiến giáo viên và được hỗ trợ thì việc học online của em có ổn định hơn. Em nhận thấy việc học online vẫn có những bất tiện nhất định, vì em không thể tiếp thu và trao đổi bài với giáo viên tốt bằng học trực tiếp.
Một giáo viên Trường THCS 24/4 (xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô) cho biết: Dạy học trực tuyến vất vả hơn, bởi ngoài truyền đạt kiến thức, giáo viên còn phải ứng phó với trường hợp thỉnh thoảng học sinh bị “out mạng”; hoặc khi đường truyền mạng chập chờn thì chúng tôi phải khởi động lại từ đầu. Bởi thế, ngoài việc sử dụng mạng của nhà trường, tôi còn sử dụng thêm mạng 4G qua điện thoại để tránh việc gián đoạn trong quá trình dạy. Ngoài soạn giáo án điện tử để dạy học trực tuyến trên máy tính, giáo viên còn soạn cả giáo án giấy và phải lặn lội về tận các thôn làng để truyền đạt kiến thức, giao bài tập cho các học sinh gia đình khó khăn không có đủ điều kiện để học online. Giáo viên mất rất nhiều thời gian cho việc dạy học bằng 2 hình thức trên.
Như chúng tôi đã khẳng định ở trên, việc lựa chọn tổ chức dạy học bằng hình thức trực tuyến cho học sinh các cấp phổ thông vào thời điểm hiện tại vẫn là phương án tối ưu để phòng, chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, thiết nghĩ bên cạnh việc khắc phục những hạn chế trong quá trình triển khai dạy học trực tuyến nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, chính quyền và ngành chức năng xem xét cho những địa phương có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn và ít nguy cơ lây nhiễm Covid-19 được tổ chức cho học sinh học tập trung, với điều kiện thực hiện đầy đủ các biện pháp đề phòng dịch bệnh, nhằm bảo đảm chất lượng dạy và học ở vùng sâu, vùng xa.
Đắc Vinh (baokontum.com.vn)