TN - Đất & Người

Giá cả "leo thang", nông dân Đắk Nông xoay xở giảm chi phí sản xuất

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Bước vào năm 2022, giá phân bón, xăng dầu, nhân công... đều tăng cao, khiến chi phí sản xuất nông nghiệp bị đội lên rất nhiều. Hiện, bà con nông dân ở Đắk Nông đang tìm cách xoay xở để vượt qua giai đoạn khó khăn chồng chất này.
 
Người nông dân ở Đắk Nông đang phải chịu nhiều áp lực do chi phí sản xuất tăng cao. Ảnh: Phan Tuấn
Người nông dân ở Đắk Nông đang phải chịu nhiều áp lực do chi phí sản xuất tăng cao. Ảnh: Phan Tuấn
Nông dân gặp khó
Thời điểm này,  bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang tập trung thu hoạch hồ tiêu, chăm sóc các loại cây trồng. Nhiều bà con nông dân cho biết, hiện nay, các khoản chi phí chăm sóc cây trồng đều tăng cao so với trước.
Gia đình anh Phạm Văn Hanh, ở xã Đắk N'Drung cho biết, hiện gia đình tôi đang có 2ha hồ tiêu, 3ha cây ăn trái, cà phê các loại. Mọi năm giá thuê nhân công hái tiêu là 200.000 đồng/ngày. Thế nhưng, năm nay tăng lên 250.000 đồng/ngày. Còn giá thuê người hái khoán bình quân từ 3.000 - 4.000 đồng/kg tiêu tươi, cao hơn các năm khá nhiều. 
"Với mức thuê nhân công như hiện nay, mỗi ha hồ tiêu người nông dân chúng tôi tốn thêm khoảng 6 - 10triệu đồng/ha. Với những người nông dân, số tiền này là rất quý, bởi đó đều là công sức lao động bằng tay chân, dãi nắng dầm mưa cả năm trời mới có được" - anh Hanh cho biết. 
Trong khi người trồng hồ tiêu gồng mình trả tiền thuê nhân công thì người trồng cà phê cũng khó khăn vì giá phân bón, xăng dầu tăng cao. Hiện nay, các vườn cà phê đang trong giai đoạn phục hồi, chuẩn bị cho một vụ thu hoạch mới vào cuối năm.
Do đó, người nông dân phải sử dụng một lượng phân bón, thuốc phòng bệnh, xăng dầu (phục vụ tưới nước) để chăm sóc cho khoảng 130 ngàn ha cà phê trên địa bàn tỉnh.
Ông Ngô Quang Trung, ở xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức chia sẻ: “Thời điểm này, ở địa phương đang bước vào thời kỳ cao điểm của mùa khô nên người nông dân đang tập trung vào việc tưới nước cho cây trồng. Mỗi đợt tưới nước cho 2ha cà phê tôi phải cho máy chạy cả tuần mới xong. Năm nay giá dầu tăng vượt mức 25.000 đồng/lít, nên chi phí cũng tăng lên rất nhiều”.
Nông dân cần linh hoạt giảm chi phí đầu vào
Qua khảo sát các mặt hàng phụ trợ cho việc sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cho thấy, giá phân bón đã tăng từ 30 – 50%; cá biệt có những loại tăng từ 80-200%; thuốc bảo vệ thực vật tăng khoảng từ 10 – 20%; giá nhân công tăng khoảng 25% so với đầu năm 2021.
Trong khi, chi phí chăm sóc cho cây cà phê, cây ăn quả chiếm từ 45 – 50%; chi phí thu hoạch chiếm từ 25 – 30%. Do đó, nếu người nông dân không tính toán giảm chi phí sản xuất đầu vào thì lời lãi chẳng còn bao nhiêu.
Theo ông Ngô Quang Trung, ngoài chi phí nhân công, xăng dầu, nhiều năm qua, tình trạng biến đổi khí hậu, đất đai sản xuất lâu ngày, cây trồng già cỗi, dịch bệnh phát sinh… cũng diễn ra khá phổ biến. Do đó, nông dân phải tăng cường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cải tạo đất đai để chăm sóc cây trồng, làm gia tăng chi phí sản xuất. 
"Lượng phân bón càng nhiều, trong khi giá cả ngày càng tăng thì kéo theo mức lợi nhuận nhanh chóng giảm xuống mạnh. Do đó, người nông dân như chúng tôi đang tiết kiệm mọi khoản chi phí, giảm đầu tư đầu vào mới mong có lợi nhuận khi thu hoạch, xuất bán sản phẩm" - ông Trung cho biết.
Theo ông Kiều Quí Diện, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Đức, với những người nông dân chân lấm tay bùn, chi phí sản xuất tăng cao đang trở thành nỗi lo. Ngoài việc xăng dầu tăng khó có thể tính toán giảm chi phí thì các yếu tố sản xuất khác đều có thể giảm. 
Trong đó, bà con cần tập hợp nhân lực theo nhóm hộ, hàng xóm, láng giềng để luân phiên đổi công. Mặt khác, bà con nông dân cũng cần tăng cường tận dụng các phế phẩm nông nghiệp để ủ phân hữu cơ, sử dụng phân chuồng, hạn chế sử dụng phân hóa học nhằm sản xuất an toàn, bền vững và giảm chi phí mua phân bón sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế...
Theo Phan Tuấn (LĐO)
https://laodong.vn/kinh-te/gia-ca-leo-thang-nong-dan-dak-nong-xoay-xo-giam-chi-phi-san-xuat-1023119.ldo

Có thể bạn quan tâm