Kinh tế

Giá Cà phê tăng cao: Cơ hội cho nông dân tăng giá trị vườn cây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-Giá cà phê liên tục tăng, thị trường thế giới rộng mở là tín hiệu đáng mừng để người trồng cà phê trên địa bàn tỉnh Gia Lai có thêm quyết tâm gắn bó lâu dài và đầu tư để nâng cao giá trị vườn cây.

Hiện nay, giá cà phê trên thị trường Gia Lai đang ở mức hơn 130.000 đồng/kg, mức giá kỷ lục từ trước đến nay. Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những nguyên nhân khiến giá cà phê tăng cao là do ảnh hưởng của tình hình chính trị thế giới và hạn hán kéo dài tại các nước sản xuất cà phê lớn khiến sản lượng cà phê giảm mạnh.

Ông Rơmah Blơt (làng Klăh 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) bên vườn cà phê của gia đình. Ảnh: Hà Duy

Ông Rơmah Blơt (làng Klăh 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) bên vườn cà phê của gia đình. Ảnh: Hà Duy

Tại Gia Lai, việc giá cà phê liên tục tăng đã tạo nên sự phấn khởi không nhỏ đối với nông dân. Ông Rơmah Blơt (làng Klăh 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) chia sẻ, cả gia đình ông có khoảng hơn 7 ha cà phê, năng suất trung bình khoảng hơn 3 tấn nhân/ha. Hơn 2 năm qua, gia đình ông cũng như một số bà con trong làng đều liên kết tiêu thụ với Công ty TNHH một thành viên Sơn Huyền Phát Gia Lai nên cũng yên tâm trồng trọt.

“Qua việc liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê, tôi nhận ra để sản phẩm có đầu ra ổn định, nông dân buộc phải nâng giá trị vườn cây lên, vì thị trường đòi hỏi các tiêu chuẩn sản phẩm ngày càng cao. Lâu nay, tôi trồng cà phê theo hướng hữu cơ, chỉ dùng phân bò, phân chuồng, vỏ cà phê để bón cho cây nên năng suất, chất lượng đạt cao hơn. Tôi mong muốn trong thời gian tới, người trồng cà phê tiếp tục được hướng dẫn, hỗ trợ để tiếp cận cách trồng, chăm sóc cà phê đúng kỹ thuật để nâng giá trị vườn cây của mình”-ông Blơt bày tỏ.

Gia Lai đang chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm để khẳng định vị thế cây cà phê Gia Lai trên thị trường trong và ngoài nước. Ảnh: H.D
Gia Lai đang chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm để khẳng định vị thế cây cà phê Gia Lai trên thị trường trong và ngoài nước. Ảnh: H.D

Sau gần 8 năm kiên trì theo đuổi ngành cà phê rang xay, Nguyễn Hân Coffee farm (thôn Jít Le 2, xã Ia Lang, huyện Đức Cơ) đã dần khẳng định được thương hiệu của mình ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Để làm được điều đó, anh Nguyễn Văn Hân-chủ thương hiệu đã liên tục tìm tòi nâng cao chất lượng vườn cà phê. Từ việc trồng, chăm sóc cà phê theo kiểu truyền thống, anh dần chuyển sang trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ. Đến nay, hơn 6 ha cà phê của anh đã đạt tiêu chuẩn VietGAP, được chứng nhận an toàn quốc tế HA-CCP.

Anh Hân cho hay: “Ngoài diện tích tự trồng, Nguyễn Hân Coffee farm hiện liên kết với bà con trong xã với tổng diện tích gần 30 ha. Sau khi liên kết, tôi đã vận động các hộ trồng, chăm sóc cà phê theo hướng hữu cơ nên đến nay tất cả diện tích này cũng đã đạt tiêu chuẩn VietGap. Với việc nâng cao chất lượng sản phẩm từ khâu trồng, chăm sóc đến chế biến sẽ giúp cà phê Gia Lai tăng cơ hội mở rộng thị trường, nhất là khi cà phê Gia Lai đang dần thâm nhập vào thị trường nhiều nước khó tính trên thế giới”.

Thực tế cho thấy, có không ít vườn cây của các nông dân bị bỏ bê do giá sản phẩm xuống thấp trong thời gian quá dài, trong khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao khiến nông dân đầu tư chăm sóc kém, tái canh hạn chế… Việc giá cà phê tăng cao đã khích lệ nông dân đầu tư chăm sóc cây cà phê tốt hơn và yên tâm gắn bó với cây trồng này. Đồng thời bà con cũng từng bước có ý thức không mở rộng thêm diện tích mà chú trọng nâng cao chất lượng vườn cây bằng cách sản xuất theo các chứng nhận VietGAP, hữu cơ và các chứng nhận quốc tế khác.

Trao đổi với P.V, ông Thái Như Hiệp-Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-cho biết: Nâng cao chất lượng cây cà phê là cách bền vững nhất để nông dân có thể ổn định cuộc sống. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu mà Gia Lai đang hướng tới là không mở rộng diện tích mà chỉ tập trung nâng cao chất lượng, giá trị cà phê.

Lô hàng cà phê organic đầu tiên của Gia Lai nói riêng, của Việt Nam nói chung xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ảnh: Hà Duy
Lô hàng cà phê organic đầu tiên của Gia Lai nói riêng, của Việt Nam nói chung xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ảnh: Hà Duy

Hiện, diện tích cà phê toàn tỉnh Gia Lai đạt gần 99.000 ha, năng suất bình quân đạt 30 tạ/ha, tổng sản lượng cà phê hàng năm đạt hơn 267.000 tấn. Gia Lai đề ra mục tiêu đến năm 2025 phát triển diện tích cà phê đặc sản khoảng 1.200 ha, bằng 1,2% diện tích cà phê toàn tỉnh. Đến giai đoạn 2026-2030, phát triển diện tích cà phê đặc sản khoảng 2.300ha, bằng 2,4% diện tích cà phê toàn tỉnh. Đích nhắm của sản phẩm cà phê đặc sản này chính là các thị trường khó tính trên thế giới. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Gia Lai đang tập trung đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu cà phê sạch, hướng tới xây dựng thương hiệu cà phê, văn hóa trồng cà phê để nâng cao giá trị sản phẩm.

Có thể bạn quan tâm