Kinh tế

Giá cà phê tăng cao nhưng nông dân vẫn găm hàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 19-7, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng lên mức 41.300 đồng/kg. Như vậy so với đầu tuần giá cà phê đã tăng 1.500 đồng/kg. Đây là mức giá cà phê cao nhất trong vòng 2 tháng qua.

Mặc dù giá cà phê tăng cao nhưng theo chủ các đại lý, doanh nghiệp mua cà phê trên địa bàn tỉnh, nguồn hàng vẫn không nhiều do tháng 2 trở lại đây giá cà phê tăng nên người dân vẫn găm hàng chờ giá tăng cao nữa mới bán.

Với mức giá như hiện nay thì người trồng cà phê đã có lãi từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, hiện nay chỉ một số ít người dân bán hàng nhưng cũng bán với số lượng ít để có tiền trang trải cho cuộc sống hàng ngày còn lại để dành với hy vọng giá cà phê còn tăng cao nữa trong những tháng sắp tới.

 

 

Đối với một số người sản xuất cà phê, một số đại lý đang cố gắng thu gom cà phê rồi cất giữ trong kho hoặc ký gửi với kỳ vọng giá sẽ tăng cao để thu mức lợi nhuận lớn hơn. Bà Nguyễn Thị Triều (phường Yên Thế-TP. Pleiku) cho rằng: Giá cà phê hiện nay đang biến động theo chiều hướng tăng có lợi cho nông dân nên tôi hy vọng sẽ còn tăng cao hơn trong vòng vài ba tuần tới.

Khác với bà Triều, anh Lê Ngọc Nhơn, ở thôn 6, xã Gào, TP. Pleiku cho rằng: Những gia đình có điều kiện kinh tế nên chờ giá cà phê lên cao mới bán. Còn tôi lúc này cà phê có giá là bán ngay để có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày. Hơn nữa trong thời điểm hiện tại, các nước sản xuất cà phê lớn trên thế giới như Brazil, Indonesia đang bước vào mùa thu hoạch, lượng cung cà phê ra thị trường lớn không biết giá cả như thế nào.

Việc nông dân và đại lý găm hàng khiến các đơn vị xuất khẩu cà phê gặp khó khăn. Ông Nguyễn Minh Đường- Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cà phê Tây Nguyên- Gia Lai, cho biết: Năm nay hiện tượng bà con tích trữ cà phê là có thực và chưa bao giờ “găm” chặt như năm nay. Điều này làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với những doanh nghiệp đã ký kết xuất khẩu cho các đối tác nước ngoài trong 2 quý còn lại của năm nay.

Báo cáo Hải quan cho thấy, xuất khẩu cà phê tháng 6-2013 của Việt Nam chỉ đạt 88.387 tấn, giảm 24,3% so với tháng 5 và giảm tới 37,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng xuất khẩu 9 tháng đầu niên vụ (từ tháng 10-2012 đến 6-2013), đã đạt 1,2 triệu tấn trong khi tổng sản lượng của niên vụ dự kiến 1,42 triệu bao.

Do đó lượng xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm mạnh trong những tháng cuối vụ giúp duy trì giá cà phê nội địa ở mức cao. Việc găm hàng chờ giá cao sẽ có tác động hai chiều. Nếu nông dân “cắt giá” và bán đúng vào thời điểm thị trường cầu nhiều hơn cung thì tất nhiên được hưởng lợi. Nhưng khi tổng lượng hàng tích trữ, tồn kho đủ lớn sẽ gây tác dụng ngược.

Khi đó, nguồn cung sẽ tăng gây áp lực giảm giá lên thị trường, người dân cùng một lúc ào ạt bán hàng càng đẩy giá giảm sâu. Lúc này, người mua ép giá và người trực tiếp sản xuất cà phê sẽ là người chịu thiệt từ quy luật cung-cầu.

Lượng tích trữ ngày càng lớn, gây nên sự khan hiếm giả tạo trên thị trường dẫn đến sự tăng giảm giá cà phê trong thời gian qua ở Việt Nam cũng như thế giới. Do đó, nông dân cần nắm bắt thông tin thị trường để bán ra đúng thời điểm có lãi lớn nhất.

Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm