Theo ghi nhận của phóng viên, trên thị trường nông sản hôm nay, giá cà phê nhân xô đồng loạt giảm mạnh, với mức giảm "sốc" lên tới 1.000 đồng/kg, tương đương 1 triệu đồng/tấn. Đây cũng là mức giảm sâu nhất trong những tháng đầu năm 2018 khiến nông dân trồng cà phê cũng như các thương nhân thu mua rất sốt ruột. Trong khi đó, giá tiêu hôm nay vẫn tiếp tục duy trì mức thấp, dao động từ 53.000-56.000 đồng/kg.
Giá cà phê hôm nay "đỏ sàn", giảm sâu chưa từng có
Trên thị trường nông sản, các thương nhân thu mua cà phê đã điều chỉnh giá thu mua cà phê nhân xô tại Tây Nguyên xuống 1.000 đồng/kg, khiến giá cà phê hôm nay tại đây chỉ còn từ 34.200-35.200 đồng/kg. Đây cũng là mức giá cà phê thấp nhất trong vòng 2 năm gần đây.
Theo đó giá cà phê tại Lâm Đồng hiện chỉ còn 34.200 đồng/kg; các tỉnh Đak Lak, Đak Nông giao dịch tại mức 35.000 đồng/kg; tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay giảm về còn 35.200 đồng/kg.
Tại cảng TP.Hồ Chí Minh, giá cà phê nhân xuất khẩu (FOB) đạt 1.538 USD/tấn, giảm tới 46 USD/tấn so với hôm cuối tuần, mức trừ lùi vẫn ở mức cao 140 USD/tấn.
Nguyên nhân giá cà phê trong nước giảm sâu đến mức làm thị trường "điên đảo" này là do đêm qua, giá cà phê robusta trên sàn London đột ngột giảm mạnh. Cụ thể, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 7/2018 giảm "sốc" tới 46 USD/tấn, chốt giá tại mức 1.678 USD/tấn, tương đương với mức giảm 2,67% so với phiên giao dịch cuối tuần trước.
Các kỳ hạn giao hàng tháng 9, 11/2018 cũng giảm từ 27-29 USD/tấn.
Theo nhận định của các chuyên gia, có thể có một số nhà đầu cơ nhỏ lẻ đã vội vàng thanh lý hàng hoá để chặn lỗ trong bối cảnh thị trường cà phê vẫn còn tiêu cực như hiện nay. Báo cáo cam kết mới nhất của thương nhân từ thị trường cà phê robusta London đã chứng kiến khu vực phi thương mại đầu cơ của thị trường này tăng vị thế bán ròng ngắn hạn của họ lên tới 27,93%.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 19/6, cả 2 sàn cà phê London và New York cũng đều tăng lượng dư bán.
Cụ thể, sàn cà phê chè arabica Ice New York tăng mạnh dư bán với lượng dư bán mới là 60.409 tăng 12.359 lô từ 48.050 lô. Kỷ lục lớn nhất mọi thời đại với 70.577 lô. Sàn kỳ hạn cà phê vối robusta London tăng lượng dư bán 6.414 lô để lên 29.378 lô, trong khi tuần trước cũng dư 22.964 lô.
Tính từ đầu năm 2017 đến nay, giá cà phê giảm khoảng 25% do nguồn cung dồi dào, chủ yếu đến từ Brazil.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo toàn cầu niên vụ cà phê 2018/19 sẽ đạt sản lượng 171,2 triệu bao (loại 60kg), trong khi tiêu thụ cùng kỳ chỉ ở mức 163,2 triệu bao, dẫn đến một con số thặng dư đáng kể.
Giá tiêu hôm nay chưa có triển vọng mới, giao dịch "đóng băng"
Hôm nay giá hạt tiêu tại các vùng nguyên liệu lớn của Việt Nam vẫn ở mức thấp kỷ lục, giao dịch chỉ đạt từ 53.000-56.000 đồng/kg.
Giá tiêu đen xô đã giảm nhẹ liên tiếp kể từ đầu tháng tới nay do sức ép vụ mùa mới đang thu hoạch từ các nước Sri Lanka, Malaysia và Indonesia.
Báo cáo dữ liệu sơ bộ của Hải Quan Việt Nam cho thấy xuất khẩu hạt tiêu 15 ngày đầu tháng 6 đạt 10.996 tấn tiêu các loại, đưa xuất khẩu 5 tháng rưỡi đầu năm 2018 lên đạt tổng cộng 120.903 tấn, cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho thấy giá bình quân xuất khẩu giảm 10 USD/tấn so với giá bình quân xuất khẩu tháng trước.
Việc giá hồ tiêu ở cả Việt Nam, Brazil, Ấn Độ giảm mạnh trong thời gian qua được cho là hệ quả tất yếu của việc cung lớn hơn cầu. Bắt đầu từ năm 2015, khi giá xuất khẩu hồ tiêu thế giới chạm mức 10.000 USD/tấn thì cũng là thời điểm nhiều nơi bất chấp tất cả để mở rộng diện tích hồ tiêu. Cùng với việc diện tích tăng lên thì sản lượng hồ tiêu toàn cầu cũng tăng theo, khiến cho lượng tồn kho ngày càng tăng.
Theo Hiệp hội hồ tiêu Quốc tế thì 5 năm trở lại đây, mỗi năm sản lượng tồn kho tăng chừng 20.000 tấn. Và dự kiến năm 2018, lượng tồn kho từ vụ cũ sẽ lên đến khoảng 104.000 tấn, do đó các chuyên gia cũng dự giá hồ tiêu trong thời gian tới sẽ khó có triển vọng tăng mạnh.
Thiên Hương/danviet