TN - Đất & Người

Giá cà phê xuống thấp, dân vẫn căng mình chống hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Dù giá cà phê xuống thấp, người dân tại các tỉnh Tây Nguyên vẫn phải căng mình, chịu chi phí lớn để có được nguồn nước chống hạn cho mùa vụ sắp tới.
Sau nhiều tháng nắng hạn, người dân tại các huyện Di Linh, Bảo Lâm, Lâm Hà (Lâm Đồng) đang bắt đầu triển khai tưới nước cho những diện tích cà phê của mình.
Ghi nhận của PV báo Dân Việt, ở các huyện trên, cà phê của nhiều hộ dân do thiếu nước đã héo dần, nụ hoa bị khô. Chính vì vậy, người dân đang tập trung bơm nước chống hạn cho cây.
Tại xã Lộc Ngãi (huyện Bảo Lâm) dọc theo dòng suối Đại Nga đang có hàng chục điểm đặt máy bơm nước công suất lớn (mỗi điểm từ 8 – 10 máy bơm) hoạt động liên tục, tiếng máy nổ râm ran cả ngày lẫm đêm.
 
Nhiều điểm đặt máy bơm dọc con suối Đại Nga (xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm) đặt dày máy nổ.
Ông Trần Trí Dũng (xã Lộc Ngãi) vừa cầm chiếc vòi nước tưới cho cà phê vừa nói: “Với tình trạng nắng nóng thế này thì tất cả các hộ dân ở địa phương phải bơm nước mà tưới, vì vậy suối Đại Nga sẽ nhanh chóng bị cạn. Gia đình tôi có khoảng 2ha cà phê bị héo lá, sưng nụ, nên phải vợ chồng phải tưới liên tục nhằm đảm bảo nước cho cây trổ bông. Nếu thiếu chúng sẽ bị hoa chanh, ảnh hưởng đến năng suất của mùa vụ sau”.
Cũng theo ông Dũng, với diện tích vườn của gia đình cùng với khoảng cách xa nguồn nước nên ông phải kéo đến 40 cuộn ống. Bên cạnh đó, chi phí nhân công, ống tưới mua dầu, mỗi ha từ 5 – 10 triệu đồng sẽ khiến người dân mất một khoản lớn.
Nhiều hộ dân tại huyện Bảo Lâm cho biết, với 1ha thì họ phải mất khoảng 30 – 40 tiếng đồng hồ để tưới nước tùy thuộc vào độ xa hay gần nguồn nước. Nếu gần lực đẩy của máy mạnh sẽ giảm thời gian tưới và ngược lại. Không những thế, những gia đình không có trang thiết bị phải thuê máy tưới thì chi phí cao hơn nhiều.
 
 Người dân phải tốn chi phí khá lớn để chống hạn cho cây cà phê trong mùa nắng nóng.
Cũng là hộ có diện tích cà phê khá lớn với 5ha, ông Bùi Văn Toán (xã Tân Văn, huyện Lâm Hà) chia sẻ: “Để có nước tưới cho cà phê, tôi phải tranh thủ tưới từ sớm, nếu không, nước tại đập Phúc Thọ 1 sẽ rút xuống nhanh chóng làm tôi phải đẩy máy xa hơn. Hơn nữa nếu cà phê quá héo, nụ không bung hoa được sẽ làm mất năng suất, ảnh hưởng mùa vụ sắp tới. Tôi và vợ có khi phải tưới đến 8h tối, không có thời gian chăm sóc cho các con”.
Hiện tại, Di Linh và Bảo Lâm là hai huyện có diện tích cà phê lớn nhất nhì tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, Di Linh có khoảng 44.000ha, Bảo Lâm có khoảng 35.000ha. Chính vì vậy, nguồn nước cần để cho người dân phục vụ tưới tiêu là rất lớn. Hiện tại mới đảm bảo khoảng 80 – 85% diện tích. Tuy nhiên, nếu tình trạng nắng nóng kéo dài như hiện tại thì người trồng cà phê sẽ thiếu nước trầm trọng trong vòng 1 tháng tới.
Ông Nguyễn Tấn Thông – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thượng (huyện Di Linh) cho biết, ngoài nguồn nước tự nhiên thì xã hiện tại có khoảng 170 ao hồ tự đào và đáp ứng đủ cho 90% diện tích cà phê của địa phương.
 
Những sườn đồi dốc sẽ khiến cho việc kéo ống tưới khó khăn và chi phí mua ống, dầu đội lên rất nhiều.
Trong khi đó, toàn huyện Di Linh có gần 5.000 ao hồ nhỏ do người dân tự đào để cung cấp nước tưới. Ông Trần Nhật Thi – Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho hay: Với tình trạng hiện tại, địa phương đang tiến hành điều tiết tích nước và phân phối nguồn nước sông tuối, hồ thủy lợi. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân nạo vét ao hồ và tưới nước tiết kiệm tránh lãng phí nguồn nước.
Tương tự, theo thống kê tại huyện Bảo Lâm có khoảng 6.000 ao hồ do người dân tự đào, phân bổ khắp các xã, thị trấn. Vì vậy đã đảm bảo được cho người dân tưới được khoảng 85% diện tích cà phê. Ngoài tuyên truyền người dân phân phối, tiết kiệm nước trong thời gian nắng nóng sắp tới, lãnh đạo địa phương còn vận động người dân tiến hành cắt cành, tỉa chồi cho cà phê. Bên cạnh đó, dùng lá để ủ bên trong gốc cà phê nhằm giữ ẩm cho cây.
Văn Long (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm