Kinh tế

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao kỷ lục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tuần này tiếp tục neo ở mức cao nhất hơn 2 năm qua. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, xuất khẩu gạo nửa cuối năm nay có thể giảm tốc do nguồn cung trong nước cạn và doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn.

Hiện, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 500-510 USD/tấn và không đổi so với tuần trước.

Đây cũng là mức giá gạo cao kỷ lục so với đỉnh điểm hồi tháng 12-2022. Cụ thể, vào tháng 12-2022, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào ở mức 440-445 USD/tấn nhưng vẫn được xem là giá cao nhất kể từ tháng 11-2021 đến tháng 12-2022.

Nông dân thu hoạch lúa Đông Xuân 2022-2023. (Ảnh: TTXVN)

Nông dân thu hoạch lúa Đông Xuân 2022-2023. (Ảnh: TTXVN)

Đáng chú ý, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang một số thị trường cũng tăng đột biến trong 5 tháng đầu năm nay như Đài Loan (Trung Quốc) tăng 142,3%, Senegal tăng 1.147%, Chile tăng 4.120%.... Một thương nhân xuất khẩu gạo tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhu cầu đối với gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế vẫn ở mức mạnh.

Hiện tại giá gạo đồ 5% tấm của nước xuất khẩu hàng đầu là Ấn Độ được chào bán ở mức 412-420 USD/tấn, dù giá gạo nước này đã tăng so với mức 409-416 USD/tấn vào tuần trước. Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan không đổi so với tuần trước, giao dịch ở mức 515 USD/tấn. Theo một thương nhân có trụ sở tại Bangkok, giá gạo của Thái Lan duy trì ở mức cao nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ Indonesia, Philippines, Malaysia và một số quốc gia châu Phi do lo ngại hạn hán khiến nhu cầu dự trữ tăng lên.

Diễn biến khối lượng và giá gạo xuất khẩu của Việt Nam kể từ đầu năm 2022 đến tháng 5-2023.

Diễn biến khối lượng và giá gạo xuất khẩu của Việt Nam kể từ đầu năm 2022 đến tháng 5-2023.

Theo bà Bùi Thị Thanh Tâm-Chủ tịch Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá thu mua lúa gạo trong nước hiện nay ở mức cao, mức chào bán giá gạo vụ Hè-Thu đã cao hơn Đông-Xuân và dự kiến tiếp tục tăng. Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại gặp khó khăn do đã ký hợp đồng bán hàng trước đó, giá gạo vào lại tăng lên, nguồn cung gạo không còn nhiều, trong khi đó doanh nghiệp còn khó khăn về vốn, phải có nguồn tiền mới thì mới mua được lúa từ người dân.

Đồng thời, một số chuyên gia nhận định triển vọng xuất khẩu gạo nửa cuối năm nay đối mặt rủi ro chậm lại do hàng tồn kho gối đầu từ năm ngoái đã hết, nguồn cung gạo từ vụ Đông-Xuân vừa qua cũng đã cạn, nguồn cung thời gian tới có thể thấp hơn kỳ vọng do tác động của El Nino và xâm nhập mặn.

Có thể bạn quan tâm