Khai thác thế mạnh của 2 địa phương
Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa Gia Lai và Bạc Liêu diễn ra vào ngày 13-3 vừa qua tại TP. Pleiku kỳ vọng mở ra cơ hội hợp tác mới và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của 2 địa phương trong liên kết kinh doanh, khai thác thị trường.
Bà Lý Anh Thư-Chủ cơ sở Bò một nắng Tý Vân (huyện Krông Pa) cho biết: Các sản phẩm của cơ sở ngày càng được mở rộng thị trường tiêu thụ ra ngoài tỉnh nhưng ở Bạc Liêu thì chưa có cơ hội kết nối. Vì điều kiện địa lý cách xa nên cơ sở cũng đã bỏ lỡ nhiều chương trình hội chợ, triển lãm tại đây. “Qua hội nghị lần này, tôi được gặp gỡ cơ quan làm công tác xúc tiến thương mại để có cơ hội tiếp cận các nhà phân phối lớn ở Bạc Liêu. Đây là một thị trường đầy tiềm năng ở phía Nam”-bà Thư kỳ vọng.
Còn chị Nguyễn Thị Phương Nhung-đại diện cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP tại Khu du lịch Biển Hồ (TP. Pleiku) chia sẻ: “Chúng tôi đang trưng bày và bán hàng trăm mặt hàng, trong đó có nhiều sản phẩm của các tỉnh. Vì vậy khi đến tham quan tại gian hàng, đoàn công tác của tỉnh Bạc Liêu cũng mong muốn được đưa một số sản phẩm đặc sắc nhất của họ lên trưng bày giới thiệu tại đây. Quầy hàng hiện chưa có các sản phẩm chế biến từ hải sản, nên đây là cơ hội để đa dạng thêm sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách du lịch”.
Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa tỉnh Gia Lai và Bạc Liêu sẽ tăng cường hoạt động liên kết vùng miền. Ảnh: Thảo Nguyên |
Với các cơ sở sản xuất ở Bạc Liêu, qua chuyến “tiền trạm” lần này sẽ mở ra chiến lược mới trong mở rộng kênh tiêu thụ đặc sản của địa phương tại Gia Lai. Ông Phạm Minh Khánh-Chủ cơ sở sản xuất rượu Công tử Bạc Liêu cho hay: “Rượu của chúng tôi được tiêu thụ khá mạnh trên thị trường, song ở Gia Lai thì chưa có nhà phân phối, đại lý nào nhập hàng của cơ sở. Do đó, thông qua hội nghị lần này, chúng tôi hy vọng sẽ kết nối được với các nhà phân phối ở Gia Lai”.
Ông Võ Văn Kha-Trưởng phòng Xúc tiến thương mại-Thông tin Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương Bạc Liêu) cho biết: Hiện tại, các quầy hàng OCOP cũng như một số kênh phân phối lớn của Bạc Liêu chưa có sản phẩm đặc sản, đặc trưng, sản phẩm OCOP của Gia Lai. Và ở các quầy hàng OCOP của Gia Lai cũng chưa trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP của Bạc Liêu. Vì vậy, chuyến công tác lên Gia Lai lần này chúng tôi đưa 15 sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu lên trưng bày và giới thiệu tại hội nghị. Các sản phẩm này đều có khả năng cung ứng số lượng lớn theo nhu cầu của nhà phân phối.
Mở ra cơ hội hợp tác tiêu thụ hàng hóa
Ông Phan Văn Sáu-Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu-cho biết: Bạc Liêu đã có 126 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3-4 sao cấp tỉnh. Thế mạnh sản phẩm OCOP của Bạc Liêu chủ yếu là các loại hải sản đông lạnh, sản phẩm được chế biến từ hải sản, tổ yến, các loại muối… Riêng một số sản phẩm từ tôm và muối đã được xuất khẩu. Đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp, hộ sản xuất, hợp tác xã của Bạc Liêu đưa sản phẩm lên Gia Lai để giới thiệu, quảng bá.
Sở Công thương 2 tỉnh sẽ đóng vai trò “mai mối” để những người sản xuất được gặp gỡ, trao đổi, kết nối trong việc mở rộng kênh tiêu thụ hàng hóa. Thông qua hội nghị này, Bạc Liêu sẽ hỗ trợ Gia Lai tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cũng như mong muốn Gia Lai hỗ trợ Bạc Liêu kết nối đưa sản phẩm đến các kênh phân phối.
Chia sẻ về kỳ vọng kết nối, bà Nguyễn Thị Bích Thu-Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương Gia Lai) cho rằng, Gia Lai có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc trưng. Riêng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3-4 sao là 311 sản phẩm của 154 chủ thể, 30 doanh nghiệp, 42 hợp tác xã, 82 cơ sở sản xuất kinh doanh. Hiện có 1 sàn thương mại điện tử ocopgialai.vn do Trung tâm phụ trách.
Ngoài ra, Gia Lai có nhiều đặc sản, trong đó có nhiều mặt hàng chất lượng được người tiêu dùng đánh giá cao, bước đầu đã có sản lượng xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài như cà phê hòa tan, mật ong.
Việc trao đổi, tiêu thụ hàng hóa sẽ tạo điều kiện cho người tiêu dùng ở 2 tỉnh được sử dụng sản phẩm đặc trưng với chất lượng tốt. Ảnh: Thảo Nguyên |
Bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương Gia Lai cho rằng, với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP cũng như công tác xúc tiến thương mại trong và ngoài nước thời gian qua, hy vọng thông qua hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa tỉnh Gia Lai và Bạc Liêu sẽ tăng cường hoạt động liên kết vùng miền, hỗ trợ gắn kết bền vững giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối nhằm hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Cùng với đó, chú trọng kết nối cung cầu sản phẩm có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm, thân thiện môi trường, hướng tới tiêu dùng xanh vào hệ thống bán lẻ.