(GLO)- Ngày 26-3-2012, TAND tỉnh Gia Lai đã mở phiên tòa xét xử công khai và tuyên phạt sơ thẩm Nguyễn Công Chính (tên gọi khác là Nguyễn Thành Long, 43 tuổi, thường trú tại hẻm 169, tổ 10, phường Hoa Lư, TP.Pleiku) 11 năm tù về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết”. Bản án được tuyên đã tạo sự đồng thuận của nhân dân xung quanh việc làm vi phạm pháp luật và trái với đạo lý dân tộc Việt Nam của Nguyễn Công Chính.
Tại phiên tòa, mặc dù Nguyễn Công Chính cho rằng những hành vi của mình không trái với pháp luật của Nhà nước nhưng lại mâu thuẫn với chính mình khi thừa nhận đã soạn thảo và phát tán: “Thông tin Tây Nguyên”, “Thông báo khẩn cấp”, “Thư ngỏ”, “Văn thư”, “Kiến nghị thư”… Trong phần tranh luận với đại diện Viện kiểm sát, Nguyễn Công Chính cũng cho rằng việc truy tố bị cáo là do Viện kiểm sát nâng quan điểm về mặt câu từ. Tuy nhiên luận điểm này đã bị vị đại diện Viện Kiểm sát chứng minh bằng những chứng cứ sắc bén, trong 22 đầu tài liệu thu được vào ngày 28-5-2008 thì có 19 đầu tài liệu có nội dung tuyên truyền gây chia rẽ giữa chính quyền, lực lượng vũ trang với các tầng lớp nhân dân, chia rẽ quan hệ đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới nhằm chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Những tài liệu này đã được Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) giám định.
Bị cáo Nguyễn Công Chính trước vành móng ngựa. Ảnh: Lê Văn Nhung |
Cũng tại phiên tòa, các tài liệu chứng cứ có tại hồ sơ vụ án đã được thẩm tra công khai cho thấy từ năm 1988 Nguyễn Công Chính đi bộ đội thuộc đơn vị C1, Bộ đội Biên phòng thuộc tỉnh Gia Lai-Kon Tum (cũ) đóng tại Bờ Y. Năm 1991, Chính bỏ ngũ đi làm kinh tế trên đất Lào. Năm 1993, Chính về sống tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum); từ tháng 10-2004, về sống tại TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai. Chính khai: Năm 1984, theo đạo Tin lành hệ phái memonite tự nhận là mục sư. Năm 2008, Chính bị khai trừ ra khỏi hệ phái này và tự lập ra hệ phái đạo mới với tên gọi là “Hiệp hội thông công Tin lành các dân tộc Việt Nam” do Chính tự nhận là chủ tịch.
Trong cuộc sống, từ sau khi bỏ ngũ, Chính đã bỏ địa phương đi nơi khác, thời gian quá lâu nên chính quyền đã xóa tên. Mặc khác khi có yêu cầu cấp hộ khẩu mới, Chính đã khai nhiều tên khác nhau, năm sinh không đồng nhất nên chưa được cấp hộ khẩu và chứng minh nhân dân theo quy định. Năm 2009, chính quyền vẫn tạo điều kiện cho Chính được cấp hộ khẩu và chứng minh nhân dân. Ngược lại, vì mục đích cá nhân nên trong một thời gian dài từ năm 2004 đến 2010, Nguyễn Công Chính lại có nhiều bài viết, trả lời phỏng vấn với các đài nước ngoài mang nội dung bóp méo sự thật, đưa thông tin sai lệch nhằm hướng dư luận có cái nhìn sai lệch về sự ổn định và phát triển của đất nước. Mục đích của Chính là đánh bóng và nâng cao vị thế để vụ lợi cá nhân rồi đưa thông tin không đúng sự thật nhằm kêu gọi sự giúp đỡ của các thế lực bên ngoài. Hành vi của Nguyễn Công Chính đã xâm hại đến chính sách đại đoàn kết toàn dân Nhà nước Việt Nam không chỉ xâm hại nghiêm trọng đến sự ổn định và trật tự xã hội, an ninh quốc gia còn gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại của Nhà nước Việt Nam trên trường quốc tế.
Không những thế, Nguyễn Công Chính còn sử dụng những thông tin giả, tạo dựng chứng cứ do những tội phạm khác cung cấp rồi vu vạ cho chính quyền nhân dân. Trường hợp của Thạch Thanh Nô ở Trà Vinh là một ví dụ. Thạch Thanh Nô là một phật tử, tham gia dân quân tự vệ tại xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú. Sau khi huấn luyện đã uống rượu và lái xe máy trên đường về nhà ngã chết. Mặc dù đây là vụ tai nạn giao thông không liên quan gì đến tôn giáo nhưng Nguyễn Công Chính đã dùng hình ảnh giả để rêu rao cái gọi là tín đồ đạo Tin lành bị chính quyền dùng lực lượng vũ trang đánh chết. “Thông báo khẩn cấp” của Chính đã tung lên mạng internet để gây chia rẽ giữa chính quyền, lực lượng vũ trang với đồng bào dân tộc Khmer. Việc làm này không những vi phạm pháp luật mà còn trái với đạo lý mà ngay cả cha của Thạch Thanh Nô cũng bức xúc và yêu cầu xử lý nghiêm đối với Nguyễn Công Chính.
Chiến tranh đã lùi xa 37 năm, đồng bào các dân tộc Việt Nam đã đoàn kết để khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng đất nước. Phương châm: Gác lại quá khứ, hướng đến tương lai là phương châm đúng của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để kêu gọi sự đồng lòng chung sức của mọi người trong công cuộc xây dựng đất nước. Nguyễn Công Chính đã phủ nhận tính đúng đắn này rồi thực hiện nhiều hành vi gây kích động, hằn thù giữa những người tham gia chế độ cũ với Nhà nước. Thực tế đã cho thấy, Đảng và Nhà nước không phân biệt đối xử; mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật để phát huy tiềm năng nhằm nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo. Nhà nước cũng tạo điều kiện cho mọi người dân được sinh hoạt tôn giáo và sống “tốt đời đẹp đạo”. Mọi công dân có thể theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Tôn giáo phục vụ cho đức tin song hành cùng với lợi ích của đất nước. Hành vi của Nguyễn Công Chính đã xúc phạm đến những người theo đạo và gây sự kỳ thị giữa các tôn giáo mà trực tiếp là xâm hại sự đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Hơn nữa, trong xu thế hội nhập thế giới, Việt Nam là bạn của các nước trên thế giới, người Việt ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời với dân tộc Việt Nam. Thực tế, Việt Nam đã có bước phát triển vững chắc trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh. Vị thế trên trường quốc tế của Việt Nam ngày càng nâng cao. Hành vi của Nguyễn Công Chính bị xử lý là thỏa đáng và được nhân dân đồng tình hoan nghênh.
Lê Văn Nhung