Kinh tế

Gia Lai: Bàn giải pháp phát triển bền vững cây sắn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)-Chiều 19-9, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững cây sắn và liên kết tiêu thụ giữa nhà máy với người dân trồng sắn tỉnh Gia Lai”. 

Ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở và Trần Xuân Khải-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đồng chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Sở Công thương, Khoa học và Công nghệ, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh; đại diện lãnh đạo UBND, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố; Trường Đại học Tây Nguyên và các trung tâm nghiên cứu giống, các doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh Hội nghị "Giải pháp phát triển bền vững cây sắn và liên kết tiêu thụ giữa nhà máy với người dân trồng sắn tỉnh Gia Lai”. Ảnh: Hồng Thương

Quang cảnh Hội nghị "Giải pháp phát triển bền vững cây sắn và liên kết tiêu thụ giữa nhà máy với người dân trồng sắn tỉnh Gia Lai”. Ảnh: Hồng Thương

Gia Lai là tỉnh có diện tích sắn lớn nhất cả nước với tổng diện tích ước đạt 78.560 ha; sản lượng sắn năm 2024 ước đạt gần 1,6 triệu tấn. Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 nhà máy chế biến tinh bột sắn với tổng công suất 1.250 tấn tinh bột/ngày và có 216 cơ sở thu mua sản phẩm sắn lát khô và củ tươi.

Tuy nhiên, việc phát triển cây sắn trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thực trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Đặc biệt, trên cây sắn xuất hiện một số sâu bệnh hại như: bệnh chổi rồng, bệnh khảm lá, bệnh thối củ, rệp sáp bột hồng, nhện đỏ. Trong đó, nổi cộm là bệnh khảm lá phát tán và lây lan nhanh nhưng chưa có thuốc đặc trị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số khó khăn, thách thức trong sản xuất, chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh, các giải pháp đầu tư và phát triển vùng nguyên liệu sắn, các mô hình sản xuất sắn hiệu quả, các giống sắn có khả năng kháng bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu, giải pháp đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm sắn trong vùng nguyên liệu giữa nhà máy với người dân. Đồng thời, đề nghị các cấp, ngành cần kiểm soát các nguồn giống đầu vào tại các địa phương; hỗ trợ người dân đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao, khả năng kháng bệnh tốt thay thế các giống cũ để hạn chế sắn nhiễm bệnh, tăng hiệu quả sản xuất.

Các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp cũng như đề xuất ngành nông nghiệp của tỉnh đề ra các giải pháp phát triển bền vững cho cây sắn. Ảnh: Hồng Thương

Các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp cũng như đề xuất ngành nông nghiệp của tỉnh đề ra các giải pháp phát triển bền vững cho cây sắn. Ảnh: Hồng Thương

Phát biểu kết luận Hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa ghi nhận các ý kiến đóng góp tâm huyết của các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương đối với việc đề ra các giải pháp phát triển bền vững cây sắn trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ nghiên cứu và sớm có sự chỉ đạo sát sao đối với việc triển khai thực hiện các giải pháp nhằm tạo ra sự chuyển biến tích cực trong phát triển sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm sắn trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đề nghị các địa phương và các cơ quan liên quan cần có sự kết nối chặt chẽ với các Trung tâm nghiên cứu giống, các đơn vị có kỹ thuật liên quan tổ chức các hội nghị tập huấn, triển khai các mô hình sản xuất để chuyển giao khoa học, kỹ thuật, đưa các giống sắn mới vào sản xuất nhằm giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế.

Có thể bạn quan tâm