Kinh tế

Gia Lai: Bệnh heo tai xanh- Nỗi lo thường trực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mặc dù ngành chức năng đã có nhiều cố gắng trong việc khống chế sự xuất hiện virút (PRRS) gây bệnh heo tai xanh trên đàn heo của tỉnh Gia Lai nhưng áp lực ngăn chặn heo bệnh từ các tỉnh lân cận nhập vào rất lớn khiến công tác phòng- chống dịch bệnh ở Gia Lai thêm phức tạp.
Xuất hiện những ổ dịch
Liên tiếp trong những ngày qua, dịch bệnh heo tai xanh hoành hành tại 27 tỉnh, thành trong cả nước, trở thành nỗi ám ảnh đối với người chăn nuôi. Tại khu vực Tây Nguyên cả 4 tỉnh Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng và Kon Tum dịch đã xuất hiện gần một tháng nay và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ảnh: Nguyễn Diệp
Ảnh: Nguyễn Diệp
Khoảng một tuần nay, đàn heo tại nhiều địa phương trong tỉnh đã bắt đầu xuất hiện tình trạng heo bệnh với các triệu chứng như: Sốt cao, bỏ ăn nhiều ngày… Trước tiên là hộ gia đình ông Phạm Đức Tranh- phường Yên Thế (TP. Pleiku), dịch làm chết 11/37 con heo. Sau đó bệnh xuất hiện tại huyện Krông Pa, các phường Sông Bờ và Đoàn Kết (thị xã Ayun Pa) làm chết 15 con, xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah) với 63 con bị bệnh.
Ngay sau khi nhận được tin báo heo chết hàng loạt, Chi cục Thú y tỉnh nhanh chóng khoanh vùng các ổ dịch, tổ chức tiêu độc khử trùng, lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm tại cơ quan Thú y vùng IV (Cục Thú y-Bộ Nông nghiệp và PTNT), đồng thời tiêu hủy đàn heo mắc bệnh tại phường Yên Thế. Kết quả mẫu bệnh phẩm tại phường Yên Thế đã cho âm tính với bệnh heo tai xanh, lý do heo chết là do bị bệnh tả. Còn mẫu bệnh phẩm tại thị xã Ayun Pa và xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah) lại dương tính với bệnh heo tai xanh.
Ông Nguyễn Văn Thôi- thôn 6- xã Nghĩa Hưng cho hay: Gia đình nuôi heo đã 10 năm nay, nhưng chưa bao giờ heo bị bệnh tai xanh. Tuy nhiên, chỉ trong mấy ngày, cả đàn 63 con đều bỏ ăn, sốt cao khiến gia đình rất lo lắng. Đây là lần đầu tiên đàn heo của gia đình bị loại dịch bệnh này tấn công, nguy cơ trắng tay đã rõ.
Nguy cơ dịch bệnh  lây lan
Trước tình hình dịch bệnh bắt đầu xuất hiện tại huyện Chư Pah và thị xã Ayun Pa, trong những ngày qua, Chi cục Thú y tỉnh đã cử cán bộ kỹ thuật xuống các ổ dịch trên nhằm kiểm soát tình hình buôn bán, giết mổ, đồng thời khoanh vùng ổ dịch, tiêu độc khử trùng để bảo vệ đàn heo ở những vùng lân cận.
Ông Dương Ngọc Thanh- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh heo tai xanh trên địa bàn tỉnh, Chi cục đã báo cáo tình hình dịch bệnh cho UBND tỉnh, đồng thời triển khai biện pháp quản lý các ổ dịch, kiểm tra điều trị heo chưa bị bệnh… nhằm bảo vệ đàn heo các vùng lân cận. Bên cạnh đó, Chi cục cũng đã triển khai thực hiện Công điện khẩn số 14/CĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh cho các địa phương và các Trạm Kiểm soát kiểm dịch động vật để tích cực tuần tra kiểm soát. Ủy ban Nhân dân tỉnh đã công bố dịch heo tai xanh đã xuất hiện trên địa bàn.
Khó khăn lớn nhất là địa bàn rộng trong khi phương tiện phòng-chống dịch lại thiếu. Cùng với đó, thời tiết mưa thường xuyên đã hạn chế rất nhiều trong việc tiêu độc khử trùng.
Công tác phòng- chống dịch bệnh heo tai xanh đang trở nên cấp bách hơn lúc nào hết khi dịch bệnh đã xuất hiện trên địa bàn. Chủ động ngăn chặn không để dịch heo tai xanh xảy ra là biện pháp tốt nhất để bảo vệ đàn heo, tránh thiệt hại về kinh tế.
Nguyễn Diệp


Có thể bạn quan tâm