Bạn đọc

SỔ TAY PHÓNG VIÊN

Gia Lai: Cà phê doanh nhân-khi nào tái khởi động?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai đã từng tổ chức mô hình cà phê doanh nhân với mục đích giúp doanh nhân có điều kiện gặp gỡ, trao đổi, đề xuất ý tưởng và kiến nghị với lãnh đạo địa phương. Tuy nhiên, mô hình này đã bị "tạm ngừng" trong một thời gian dài; gần đây có ý kiến đề xuất nên hoạt động trở lại.

gia-lai-dang-no-luc-xay-dung-moi-truong-kinh-doanh-thong-thoang-binh-dang-tao-thuan-loi-cho-cac-doanh-nghiep-hoat-dong-anh-ha-duy.jpg
Các doanh nhân mong muốn, thông qua mô hình cà phê doanh nhân để có điều kiện gặp gỡ, trao đổi, đề xuất ý tưởng và kiến nghị với lãnh đạo địa phương. Ảnh: Hà Duy

Cà phê doanh nhân là hình thức kết nối giữa chính quyền với cộng động doanh nghiệp bằng phương pháp tạo ra “không gian mở”, bên tách cà phê buổi sáng, doanh nhân và lãnh đạo địa phương có thể thoải mái ngồi cùng nhau để trò chuyện, trao đổi thông tin. Thông qua đó, doanh nhân có thể nói lên nguyện vọng của mình mà không bị hạn chế về thời gian, không bị bó buộc bởi các thủ tục và không bị giới hạn trong một không gian khô cứng, hành chính.

Còn đối với lãnh đạo địa phương, đây là cách để có thể gần gũi với cộng đồng doanh nhân, nắm bắt được những điều được và chưa được trong quản lý những vấn đề liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, từ đó đưa ra những quyết sách đúng đắn, phù hợp. Đây là mục đích vô cùng tốt đẹp, nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các doanh nhân, và mô hình cũng đã lan tỏa đến nhiều tỉnh, thành phố.

Giữa năm 2016, Gia Lai lần đầu tiên tổ chức mô hình này với sự phối hợp giữa Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh và Câu lạc bộ Doanh nghiệp nữ (nay là Hội Nữ doanh nhân Gia Lai). Mô hình đã nhận được sự ủng hộ đầy hào hứng của nhiều doanh nhân trong tỉnh, bởi ai cũng mong muốn được gặp lãnh đạo tỉnh, được có cơ hội nêu những khó khăn, vướng mắc, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình để nhanh chóng được tháo gỡ, giải quyết.

Tuy nhiên, theo thông tin từ ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: Sau một thời gian, những cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành với các doanh nhân vẫn có diễn ra nhưng không thường xuyên, quy mô cũng thu nhỏ lại, sau đó trở thành cuộc gặp gỡ từng nhóm theo ngành hàng, và số lượng doanh nhân tham gia gặp mặt rất ít. Nguyên nhân, theo ông Tuấn, là bởi lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo sở, ngành, vì công việc bận rộn cũng không thể có mặt thường xuyên ở các buổi cà phê nên không đáp ứng được nguyện vọng của các doanh nhân.

Còn về phía các doanh nhân, là người làm ăn, kinh doanh, lợi ích thực tế luôn đặt lên hàng đầu, nên thông qua nhiều cuộc gặp gỡ, các vấn đề khó khăn, vướng mắc vẫn không được giải quyết nên nản lòng và không tham gia nữa. Chưa kể có những trường hợp, thời gian của doanh nhân không bó buộc nên một số đến tham gia rất trễ nải khiến cuộc gặp gỡ không đạt chất lượng như mong muốn.

Trong những buổi gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung nhiều lần đã nhắc đến việc sẽ tái khởi động mô hình cà phê doanh nhân. Theo Chủ tịch UBND tỉnh, đây là mô hình rất hay, là kênh kết nối cởi mở, gần gũi để lãnh đạo tỉnh nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như những khó khăn của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư một cách nhanh chóng nhất. Tỉnh quyết tâm sẽ tổ chức định kỳ với mong muốn thông qua sự đồng hành, sát cánh của chính quyền địa phương sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, qua đó thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh có những bước tiến mới mạnh mẽ hơn.

Việc tái khởi động mô hình Cà phê doanh nhân cũng là mong muốn của nhiều doanh nghiệp. Bởi không phải doanh nghiệp nào cũng có cơ hội tiếp cận, tiếp xúc được với các lãnh đạo tỉnh để bày tỏ nguyện vọng của mình. Tuy nhiên, để mô hình đạt hiệu quả cao hơn, thiết nghĩ, ngoài việc tổ chức định kỳ, trong mỗi buổi Cà phê doanh nhân được tổ chức, lãnh đạo tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành cần luân phiên có mặt theo từng chủ đề, như: tài chính, đầu tư, nông nghiệp, du lịch, xuất khẩu... để hai bên cùng gặp gỡ, trao đổi những vấn đề liên quan trên tinh thần cởi mở nhất.

Anh Lê Tuấn Anh (chủ một doanh nghiệp nhỏ tại TP. Pleiku) bày tỏ: "Hiện tại, có nhiều kênh để có thể kết nối với doanh nghiệp thuận tiện và nhanh chóng, nhất là qua mạng xã hội. Song chúng tôi mong mô hình cà phê doanh nhân sẽ sớm tái khởi động. Chúng tôi không kỳ vọng chỉ thông qua một buổi cà phê mà có thể trực tiếp giải quyết được những vấn đề các doanh nghiệp đang quan tâm, nhưng chắc chắn là hai bên sẽ cởi mở, gần gũi hơn khi chia sẻ vấn đề, từ đó lãnh đạo tỉnh có thể có thêm góc nhìn đa chiều để áp dụng trong công tác quản lý cũng như đưa ra các quyết sách.

Đồng thời, chúng tôi cũng mong thông qua các cuộc gặp, các doanh nhân có thể góp ý, hiến kế cho lãnh đạo tỉnh giải quyết những vấn đề phát sinh trong kinh tế-xã hội".

Có thể bạn quan tâm