Kinh tế

Gia Lai cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với sự nỗ lực không ngừng của lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành liên quan trong việc hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động, năm 2017, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Gia Lai trên bảng xếp hạng đã tăng 3 bậc so với năm 2016. Cụ thể, Gia Lai đạt 60,91 điểm, xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ 3 khu vực Tây Nguyên. Đáng chú ý là nhiều chỉ số thành phần tăng mạnh so với năm trước.

Trong 10 chỉ số thành phần, Gia Lai có tới 7 chỉ số tăng so với năm 2016. Đó là các chỉ số: chi phí không chính thức (đạt 4,86 điểm, tăng 0,5 điểm), tính năng động của lãnh đạo tỉnh (4,92 điểm, tăng 0,72 điểm), đào tạo lao động (5,56 điểm, tăng 0,15 điểm), thiết chế pháp lý (5,7 điểm, tăng 0,02 điểm), hỗ trợ doanh nghiệp (7,19 điểm, tăng 1,24 điểm), tiếp cận đất đai (6,9 điểm, tăng 0,97 điểm), tính minh bạch và tiếp cận thông tin (6,46 điểm, tăng 0,53 điểm).

 

Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp luôn được lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành hết sức quan tâm. Ảnh: Đức Thụy
Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp luôn được lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành hết sức quan tâm. Ảnh: Đức Thụy

Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, trong suốt nửa thập kỷ qua thì 2017 là năm được đánh giá cao nhất khi chỉ 30% doanh nghiệp cho biết phải dành trên 10% thời gian để tìm hiểu và thực hiện các quy định pháp luật; 72% doanh nghiệp đánh giá các cán bộ, công chức giải quyết công việc hiệu quả; 52% doanh nghiệp cho rằng thủ tục giấy tờ đơn giản và 92% doanh nghiệp cho biết phí, lệ phí được công khai. Đây đều là những con số cao kỷ lục từ trước đến nay.

Riêng Gia Lai cũng đã nỗ lực triển khai hàng loạt giải pháp nhằm cải cách hành chính, nhất là sự ra đời của dịch vụ hành chính công nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Nhờ đó, về chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp, Gia Lai đạt 7,19 điểm, chỉ thua Quảng Ninh (tỉnh dẫn đầu bảng xếp hạng PCI) 0,33 điểm và thua Lâm Đồng (tỉnh dẫn đầu khu vực Tây Nguyên) 0,57 điểm.

Ở các tỉnh khác, theo kết quả điều tra, hầu hết doanh nghiệp đều cho rằng ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, mở rộng mặt bằng kinh doanh. Các doanh nghiệp cảm thấy mức độ rủi ro bị thu hồi đất gia tăng và nhận định rằng việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi, nhanh chóng. Nhưng tại Gia Lai, theo đánh giá của các doanh nghiệp được điều tra, chỉ số tiếp cận đất đai năm 2017 so với năm 2016 đã được cải thiện đáng kể, đạt 6,9 điểm, cao hơn Quảng Ninh 0,47 điểm và hơn Lâm Đồng 0,67 điểm.

Tính minh bạch và tiếp cận thông tin là chỉ số đo lường khả năng tiếp cận các kế hoạch của tỉnh và các văn bản pháp lý cần thiết cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tăng cường chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin có vai trò quan trọng trong việc cải thiện niềm tin của nhà đầu tư, giảm chi phí không chính thức trong tiếp cận thông tin, bình đẳng về cơ hội kinh doanh. Đối với tổng thể nền kinh tế, các chính sách nhằm tăng tính minh bạch giúp kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Và tỉnh ta đã từng bước làm rất tốt vấn đề này, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá ngày càng cao. Ở chỉ số này, Gia Lai chỉ thua Quảng Ninh 0,34 điểm và thua Lâm Đồng 0,19 điểm.

Tuy vậy, Gia Lai vẫn có 3 chỉ số bị sụt giảm gồm: chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính (5,23 điểm, giảm 1,03 điểm so với năm 2016), gia nhập thị trường (7,13 điểm, giảm 0,75 điểm) và cạnh tranh bình đẳng (5,42 điểm, giảm 0,67 điểm). Điều đó cho thấy, việc cải cách thủ tục hành chính, thời gian giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp và hơn hết là thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền của tỉnh cần được cải thiện hơn nữa. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần chú ý hơn về vấn đề cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong tỉnh với nhau, tránh tình trạng ưu ái, ưu tiên cho một số doanh nghiệp.

Ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai, nhận định: “Điểm trung vị PCI năm 2017 là 62,2 điểm, mức cao nhất trong 13 năm triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Điều này cho thấy sự chạy đua của tất cả các địa phương trong nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh, cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng PCI. Do đó, việc vượt lên 3 bậc đã thể hiện sự nỗ lực và quyết liệt của tỉnh, đó là một niềm tự hào. Càng đáng tự hào hơn khi theo đánh giá chung của VCCI, trong 10 chỉ số thành phần, có 3 chỉ số đang giảm mạnh so với các năm trước ở đa số các tỉnh là tiếp cận đất đai, tính minh bạch và thiết chế pháp lý thì Gia Lai đã tăng ngoạn mục. Năm 2018, để phấn đấu tiếp tục cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng PCI, tỉnh sẽ tập trung cho việc hình thành trung tâm hành chính công, giải quyết các cơ sở liên quan tới thủ tục hành chính để doanh nghiệp gia nhập thị trường một cách thuận lợi nhất. Đặc biệt, tỉnh sẽ chú trọng cải thiện chỉ số chi phí không chính thức nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh, công khai nhất”.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm