Du lịch

Gia Lai cần đầu tư hạ tầng tại các thắng cảnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, Công ty TNHH một thành viên Thiên Lộc tourist (82 Tạ Quang Bửu, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) đã tổ chức khá thành công nhiều tour du lịch, đưa hàng ngàn du khách đến với các địa điểm du lịch nổi tiếng, trong đó có Gia Lai. Trao đổi với Báo Gia Lai Điện tử về kinh nghiệm làm nghề và những ý tưởng góp phần thúc đẩy ngành Du lịch tỉnh nhà ngày một phát triển, bà Trần Thị Vân-Giám đốc Công ty-cho biết:
Tôi đã hướng dẫn du khách và tham gia điều hành Công ty TNHH một thành viên Thiên Lộc tourist gần 10 năm qua. Tôi cho rằng, so với các tỉnh khác ở khu vực Tây Nguyên, Gia Lai có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, có nhiều điều kiện để trở thành điểm đến hấp dẫn khi sở hữu nhiều cảnh đẹp như: Biển Hồ, núi lửa Chư Đăng Ya; nhiều thác nước đẹp như thác Mơ (huyện Ia Grai, Gia Lai), thác hang Dơi, thác 50 (huyện Kbang)... Cùng với đó, Thủy điện Ia Ly cũng là một trong những điểm thu hút du khách. 
Biển Hồ cũng là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh và là điểm đến đầu tiên trong hành trình khám phá mảnh đất cao nguyên đầy nắng và gió này. Du khách đến đây trước hết là để được chiêm ngắm “viên ngọc bích” giữa lòng Tây Nguyên, nơi gắn với câu chuyện huyền thoại và được ví là “đôi mắt Pleiku” như trong bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Cường.
Thác Hang Dơi, huyện Kbang, Gia Lai. Ảnh: H.S
Một địa điểm mà khách thập phương, nhất là các bạn trẻ cũng rất muốn tham quan là núi lửa Chư Đăng Ya (xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah, Gia Lai). Trong 2 năm trở lại đây, khi huyện Chư Pah tổ chức lễ hội, du khách liên tục gọi điện cho chúng tôi để đặt tour. Ngoài ra, các thác nước ở huyện Kbang hay Ia Grai cũng thu hút sự quan tâm của du khách.
Bên cạnh đó, Gia Lai còn có nhiều tiềm năng để thu hút du khách như: ẩm thực đặc trưng, đậm chất Tây Nguyên; cơ sở lưu trú nhiều và chất lượng; nhiều ngôi làng người bản địa còn lưu giữ được những giá trị văn hóa riêng, độc đáo… Đặc biệt, ở Gia Lai không có hiện tượng chèo kéo, chặt chém về giá cả với du khách. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế mà nếu khắc phục được sẽ giúp du lịch tỉnh phát triển hơn. 
Theo tôi, vấn đề đầu tiên để thu hút du khách là việc đầu tư kinh phí để xây dựng thêm cơ sở vật chất, hạ tầng tại các điểm tham quan. Hầu như những ngọn thác trên địa bàn tỉnh đều có vị trí xa với khu trung tâm, ở trong rừng nhưng đường dẫn vào chưa được đầu tư đúng mức. Đường dẫn xuống chân thác cũng cần có. Xung quanh thác cũng cần có điểm lưu trú.
Theo tôi, tỉnh nên đầu tư xây dựng thêm các công trình và đường sá quanh núi lửa Chư Đăng Ya. Hiện nay, đường lên núi chủ yếu là đường đất rất bụi vào mùa nắng và lầy lội mùa mưa. Quanh đó cũng chưa có nhà hàng hay quán ăn sạch sẽ, phù hợp với khách. Du khách trong nước thường rất chú trọng đến địa điểm ăn uống. Họ luôn đòi hỏi món ăn đặc sắc vùng miền, ngon và hàng quán rộng rãi, sạch sẽ. Với khách nước ngoài, dù không quá nặng nề chuyện ăn uống nhưng họ cần thức ăn đảm bảo vệ sinh, nơi ăn uống và khu vực nhà vệ sinh cần sạch sẽ. Mặt khác, du khách luôn coi trọng công tác an ninh và an toàn tính mạng khi lựa chọn điểm đến. Cần chú trọng hơn vấn đề này.
Mặt khác, tỉnh cũng cần đầu tư dài hơi trong chiến lược quảng bá hình ảnh danh lam thắng cảnh, con người Gia Lai trên các phương tiện thông tin truyền thông. Sẽ rất tốt nếu các cảnh đẹp được quay trong một số bộ phim truyền hình. Theo đó, tôi cho rằng cần có sự vào cuộc đồng bộ hơn từ hệ thống chính trị trong việc nâng cao nhận thức người dân, nhất là những cơ sở kinh doanh liên quan đến du lịch nhằm tạo hình ảnh thân thiện, đẹp đẽ và ấn tượng trong mắt du khách.
 HOÀNH SƠN (ghi) 

Có thể bạn quan tâm