Bạn đọc

Gia Lai: Cần nâng cao cảnh giác trước thông tin thu mua xác ve sầu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sau những đợt rầm rộ thu mua lá điều, lá khoai lang, rễ tiêu… đã gây thiệt hại cho người nông dân và thương lái. Thời gian qua, thông tin thu mua xác ve sầu rộ lên đã đặt ra nhiều nghi vấn về mục đích của việc thu mua các mặt hàng “dị biệt”.

Hiện tượng thu mua xác ve sầu với giá cao mục đích làm gì, bán đi đâu vẫn chưa được lý giải, chỉ thấy thời gian qua, trên nhiều trang mạng xã hội đăng tải thông tin việc mua-bán xác ve sầu với giá cao trên phạm vi nhiều tỉnh. Theo đó, một ký xác ve sầu được thu mua tận nơi với giá khoảng 500 ngàn đồng loại nhỏ và đến 1 triệu đồng/kg loại to. Thế nhưng, từ 2 ngày nay, khi thông tin báo chí cảnh báo và ngành chức năng vào cuộc tuyên truyền thì tại một số nơi đã thông báo ngừng thu mua.

Nhiều hội nhóm trên Facebook vẫn đăng tin mua bán xác ve sầu với giá cao. Ảnh minh họa
Nhiều hội nhóm trên Facebook vẫn đăng tin mua bán xác ve sầu với giá cao. Ảnh minh họa

Chị Nguyễn Thị Bình (xã Ia Vê, huyện Chư Prông) cho hay: “Tôi hay tham gia trên một số hội nhóm mua bán hàng và được biết thời gian gần đây người ta có thu mua xác ve sầu. Ở xã tôi thì chưa thấy ai đi nhặt xác ve sầu để bán cho thương lái. Tuy nhiên, mấy người quen của tôi đã đến các xã Ia Lâu (Chư Prông), Ia O (Ia Grai) để mua rất nhiều. Từ mấy ngày trước, giá mua trong dân là 600 ngàn đồng/kg và bán lại với giá từ 700-800 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, 2 ngày qua họ được thương lái thông báo không thu mua nữa vì các đầu mối ngừng nhập”.

Thượng tá Bùi Quốc Chính-Phó trưởng phòng Phòng chống tội phạm và ma túy, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh-cho biết: “Chúng tôi đang thu thập thông tin việc một số thương lái ở những địa phương khác đến các địa bàn xã biên giới thu mua xác ve sầu với giá cao nhằm đảm bảo trật tự xã hội của nhân dân khu vực biên giới. Vì vậy, rất cần sự quan tâm, chỉ đạo, phối hợp của các lực lượng trong kiểm soát vấn đề này và cần làm rõ mục đích sâu xa của việc thu mua này. Liệu việc thu mua xác ve sầu có lặp lại tình trạng bị lừa như những lần thu gom móng trâu, bò, rễ tiêu trước đây hay không”.

Một ký xác ve sầu được thu mua tận nơi với giá khoảng 500 ngàn đồng loại nhỏ và đến 1 triệu đồng:kg loại to. Ảnh minh họa.
Một ký xác ve sầu được thu mua tận nơi với giá khoảng 500 ngàn đồng loại nhỏ và đến 1 triệu đồng:kg loại to. Ảnh minh họa.

Trao đổi với P.V, ông Đinh Văn Hà-Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Gia Lai nhận định: Qua phản ánh và nắm bắt tình hình ở địa bàn cho thấy, thủ đoạn thu mua hàng nông sản “dị biệt” như lá điều, rễ tiêu, lá khoai lang… không phải mới xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Có thể tóm tắt thủ đoạn đưa ra các giai đoạn thu mua như sau: Giai đoạn đầu họ tung thông tin sẽ mua các loại nông sản “dị biệt” với một mức giá cụ thể, sau đó một thời gian tiếp tục tung thông tin nhu cầu thu mua rất lớn và đẩy giá tăng cao để thu hút nhiều người quan tâm và đổ xô đi thu mua. Giai đoạn tiếp theo, họ sẽ tiếp tục phát ra thông tin thu mua giá cao hơn nữa để thu hút thương lái Việt Nam tham gia thu gom rầm rộ trong dân. Cùng lúc này, thương lái nước ngoài sẽ mang hàng bán ngược lại cho thương lái trong nước để hưởng chênh lệch. Sau khi bán xong, họ sẽ tung một thông tin là bên kia biên giới tăng cường kiểm dịch động thực vật nên không cho nhập và dừng mọi hoạt động thu mua. Lúc này những loại nông sản “dị biệt” đó vẫn còn ở lại trong nước và thương lái Việt Nam sẽ là người chịu thiệt hại.

Cũng theo ông Hà, rõ ràng việc thu mua nông sản “dị biệt” gây tác hại lớn đến ngành nông nghiệp, ảnh hưởng môi trường và thiệt hại kinh tế cho người dân nếu tham gia vào các hoạt động này. Vì vậy, bên cạnh công tác nắm địa bàn, lĩnh vực được giao, các ngành cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân có thông tin và nắm bắt được các thủ đoạn tương tự có thể xảy ra đối với việc thu mua xác ve sầu trong những ngày vừa qua.

Hiện tại, các địa phương cũng đã nắm thông tin và tổ chức xác minh, đồng thời khuyến cáo người dân trước các chiêu trò thu gom thổi giá các loại nông sản “dị biệt”, trong đó có việc thu mua xác ve sầu. Từ đó, nâng cao cảnh giác của người dân nhằm tránh những trường hợp lùng sục các rẫy cà phê để nhặt xác ve, thậm chí đào bắt ve sầu làm ảnh hưởng đến môi trường sinh trưởng của các loại cây trồng và gây mất trật tự vấn đề an ninh ở vùng nông thôn. Ông Siu Trung-Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng, nếu công tác chỉ đạo, phối hợp, chia sẻ thông tin được thực hiện tốt giữa các đơn vị, thì trong các cuộc họp ở khu dân cư, họp chi bộ, tổ dân phố, ban công tác mặt trận sẽ tuyên truyền nội dung này để người dân nắm bắt, từ đó kịp thời ngăn ngừa những rủi ro có thể xảy ra.

Có thể bạn quan tâm