Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai cần quản lý, vận hành an toàn các công trình hồ chứa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều ngày 2-8, đoàn công tác của Bộ Công thương do đồng chí Hoàng Quốc Vượng-Thứ trưởng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) Bộ Công thương-làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai về công tác phòng tránh thiên tại tại địa phương.

Làm việc với đoàn có các đồng chí: Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hồng Thi

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-Nguyễn Nhĩ, cho biết: Từ năm 2018 đến nay, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh Gia Lai diễn biến khó lường. Trong năm 2018, tỉnh chịu ảnh hưởng của 6 đợt mưa kéo dài bất thường và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc xoáy, sấm sét; gây thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, nhà cửa và cơ sở hạ tầng gần 25,9 tỷ đồng và làm chết 5 người. Riêng 7 tháng đầu năm 2019, do ảnh hưởng của thiếu hụt lượng mưa, dòng chảy của năm trước nên đã xảy ra tình trạng hạn hán, khô kiệt trong vụ Đông Xuân ở một số địa phương trong tỉnh; làm ảnh hưởng hơn 1.335 ha cây trồng các loại, ước thiệt hại khoảng 16,6 tỷ đồng và có 3 người chết do bị sét đánh.

Trước, trong và sau các đợt thiên tai, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp, ngành, thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh triển khai ngay những biện pháp phòng chống, ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Các địa phương bị thiệt hại đã chủ động xuất ngân sách dự phòng hỗ trợ kịp thời cho các hộ dân có người chết, bị thương và bị hư hỏng nhà cửa với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 700 triệu đồng; tuyên truyền vận động nhân dân chủ động khắc phục thiệt hại do thiên tai.

Ngoài ra, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN và các cấp, ngành của tỉnh cũng đã chủ động nắm tình hình, diễn biến mưa lũ; chuẩn bị lực lượng, phương tiện ứng trực và sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn. Theo đó, đã huy động lực lượng sơ tán được 48 hộ dân vùng ngập lũ và tài sản đến nơi an toàn; điều động cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm 1 thi thể bị cuốn trôi ở huyện Đức Cơ; hỗ trợ cho nhân dân vùng bị ngập lụt 400 kg gạo, bánh mì và mì gói; khám-chữa bệnh và hỗ trợ nhân dân dọn dẹp vệ sinh, tẩy uế ở những nơi bị ngập lụt sau nước rút…

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nêu lên một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh với đoàn công tác. Ảnh: Hồng Thi

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTT và TKCN ở tỉnh Gia Lai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: chủ quan và thiếu kỹ năng ứng phó với thiên tai; lực lượng làm công tác tham mưu phòng chống thiên tai chủ yếu là kiêm nhiệm, thiếu chuyên nghiệp; hệ thống quan trắc các yếu tố khí tượng thủy văn phục vụ vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy lợi còn thiếu, chưa đồng bộ; nguồn kinh phí hỗ trợ sau thiên tai còn hạn chế…

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho rằng, những năm gần đây, Gia Lai chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cực kỳ lớn; hạn hán, lũ lụt liên tục xảy ra một cách trái quy luật, tác động đến đời sống của người dân và sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Bộ Công thương, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT hỗ trợ thêm phương tiện, công cụ về PCTT và cứu hộ, cứu nạn cho các tỉnh vì hiện tại đang rất hạn chế, nhất là tàu, thuyền cao tốc; quan tâm công tác phổ biến, hướng dẫn thực hiện và tổ chức tập huấn các quy định về quản lý an toàn đập, vận hành hồ chứa thủy điện nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho các cán bộ quản lý của địa phương cũng như chủ đập; bổ sung các chương trình về hỗ trợ sạt lở cho vùng Tây Nguyên; lập bản đồ chung về rủi ro thiên tai; đồng thời cần có sự thông tin, liên kết giữa các tỉnh với nhau trong việc quản lý hồ, đập thủy điện nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng kết luận buổi làm việc. Ảnh: Hồng Thi

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng yêu cầu tỉnh Gia Lai cần kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp ở địa phương; sớm thành lập Văn phòng Thường trực giúp việc cho Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh theo hình thức kiêm nhiệm; quan tâm xây dựng lực lượng xung kích trong công tác PCTT và TKCN với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ địa phương tại chỗ để kịp thời hỗ trợ người dân nếu có thiên tai; tăng cường công tác thông tin-truyền thông về các loại hình thiên tai, biện pháp ứng phó cho người dân khi xảy ra thiên tai; quản lý, vận hành an toàn các công trình hồ chứa, đập thủy điện lớn nhỏ trên địa bàn, chú trọng công tác duy tu, bảo dưỡng, nhất là trong mùa mưa bão… Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Công thương cũng đã giải đáp một số kiến nghị, đề xuất của tỉnh; đồng thời ghi nhận, tổng hợp những nội dung không thuộc thẩm quyền để báo cáo cấp trên và chuyển đến các bộ, ngành liên quan để giải quyết.

HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm