(GLO)- Thời gian qua, khi sử dụng mạng xã hội, một số người dân ở tỉnh ta đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để mọi người hiểu rõ hơn về thủ đoạn của bọn tội phạm và biết cách phòng tránh nguy cơ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thượng tá TRẦN TRỌNG SƠN-Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh về vấn đề này.
* P.V: Thượng tá có thể cho biết tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua diễn biến như thế nào?
Thượng tá Trần Trọng Sơn trao đổi với phóng viên. Ảnh: Hữu Trường |
- Thượng tá TRẦN TRỌNG SƠN: Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh đã tiếp nhận 13 đơn trình báo của người dân về việc bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi, phức tạp. Trong đó, phần lớn các đối tượng sử dụng thủ đoạn yêu cầu người rao bán nhà, đất cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để đặt cọc; sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo làm quen với một số phụ nữ rồi tán tỉnh, hứa tặng quà và yêu cầu họ nộp phí để nhận tiền, quà có giá trị lớn từ nước ngoài; sử dụng mạng di động giả danh cơ quan tư pháp để lừa đảo…
Bên cạnh đó, các đối tượng còn sử dụng hình thức lừa đảo bằng cách hack (chiếm đoạt) tài khoản Facebook, giả bán hàng online…
* P.V:Trong số các vụ lừa đảo qua mạng xã hội mà Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh đã tiếp nhận và xác minh, đâu là những thủ đoạn mới của bọn tội phạm, thưa Thượng tá?
- Thượng tá TRẦN TRỌNG SƠN: Trong quá trình tiếp nhận, xác minh vụ việc, chúng tôi phát hiện một số thủ đoạn đã được các đối tượng thực hiện ở một số tỉnh, thành phố nhưng lần đầu xuất hiện ở tỉnh ta. Điển hình là ngày 28-8-2018, chúng tôi nhận đơn trình báo của anh H.Đ.K. về việc bị các đối tượng giả danh cơ quan tư pháp chiếm đoạt hơn 600 triệu đồng. Cùng ngày, bà N.T.T. cũng đến đơn vị trình báo việc bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 21 triệu đồng với thủ đoạn tương tự.
Theo đó, thủ đoạn của các đối tượng là giả danh nhân viên các công ty viễn thông gọi điện thoại cho nạn nhân, đưa ra lý do họ đang nợ tiền cước viễn thông rất lớn rồi yêu cầu phải cung cấp thông tin về nhân thân, số chứng minh nhân dân, số tài khoản ngân hàng đang sử dụng để đối chiếu, kiểm tra. Sau khi có được thông tin nạn nhân, các đối tượng tự xưng là điều tra viên, kiểm sát viên gọi điện thông báo cho nạn nhân biết họ đang liên quan đến một vụ án lớn như: buôn bán ma túy, rửa tiền, buôn bán người… Tiếp đó, chúng làm giả các quyết định như: khởi tố bị can, lệnh bắt, lệnh khám xét nhà rồi gửi qua tin nhắn Facebook, Zalo cho nạn nhân và yêu cầu họ chuyển toàn bộ số tiền đang có trong tài khoản sang tài khoản của chúng để thẩm tra, xác minh. Vì tin lời, nhiều người đã chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo.
Một thủ đoạn lừa đảo khác cũng mới xuất hiện, đó là đối tượng sau khi tìm hiểu, nắm thông tin rao bán hàng hóa ở các trang thương mại điện tử thì sử dụng tài khoản Messenger liên hệ với người bán, tự giới thiệu là công dân Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, có nhu cầu mua hàng hóa (thường là nhà, đất, tài sản có giá trị lớn) ở Việt Nam. Sau khi thỏa thuận giá cả mua bán, các đối tượng đề nghị người bị hại cung cấp số tài khoản, số điện thoại, thông tin cá nhân để chuyển tiền đặt cọc. Tiếp đó, chúng gửi đường link của trang web giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế rồi yêu cầu người bán hàng nhập số tài khoản, mật khẩu tài khoản và mã OTP vào trang web trên để nhận tiền đặt cọc. Khi người bán nhập đủ số thông tin trên thì toàn bộ số tiền trong tài khoản của họ sẽ chuyển qua tài khoản của đối tượng lừa đảo. Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh đã tiếp nhận 2 đơn trình báo của bị hại với tổng số tiền bị lừa gần 55 triệu đồng.
* P.V:Trước những thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội, mạng viễn thông ngày càng tinh vi, phức tạp, người dân cần làm gì để phòng tránh nguy cơ bị lừa đảo, thưa Thượng tá?
- Thượng tá TRẦN TRỌNG SƠN: Trong số 13 đơn trình báo của bị hại từ đầu năm đến nay với tổng số tiền bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt là gần 2 tỷ đồng, cơ quan Công an vẫn đang tiếp tục xác minh, điều tra. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, tất cả tài khoản ngân hàng mà các đối tượng lừa đảo cung cấp cho nạn nhân đều được chúng thuê người khác mở tài khoản thanh toán quốc tế rồi đưa thẻ ATM cho chúng sử dụng. Các đối tượng liên lạc với nạn nhân bằng dịch vụ tiện ích trên internet hoặc sim điện thoại được chuyển vùng quốc tế. Sau khi chiếm đoạt tài sản, các đối tượng rút tiền tại ATM của các ngân hàng nước ngoài.
Để tránh nguy cơ “sập bẫy” lừa đảo, mọi người nên hạn chế việc đăng tải quá nhiều thông tin cá nhân như: ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân, bằng lái xe, tài khoản ngân hàng… lên các trang mạng xã hội. Khi nhận được thông báo của những cơ quan, tổ chức, cá nhân về việc nợ cước, trúng thưởng, khuyến mãi… mọi người cần tiến hành kiểm tra thông tin tại website chính thức của đơn vị thông báo, nếu phát hiện bất thường phải báo ngay cho cơ quan Công an; không nên vội vàng thực hiện theo các yêu cầu của đối tượng. Nếu phát hiện trường hợp người thân nhắn tin qua các ứng dụng Facebook, Zalo, Viber… nhờ giúp đỡ thì cần trực tiếp gọi điện thoại lại để nói chuyện, xác nhận, tránh bị các đối tượng lừa đảo.
Đối với hành vi giả danh cơ quan tư pháp để lừa đảo, mọi người cần cảnh giác, không nên chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng theo yêu cầu của đối tượng vì các cơ quan tư pháp khi thực hiện các biện pháp tố tụng hình sự đối với công dân đều công khai, có sự tham gia của các thành phần theo quy định của pháp luật chứ không thông qua tin nhắn. Việc tiến hành khởi tố vụ án, bắt tạm giam, tạm giữ… luôn được tiến hành và lập biên bản theo quy định...
* P.V: Xin cảm ơn Thượng tá!
Hữu Trường (thực hiện)