Chính trị

Tin tức

Gia Lai: Chăm lo tốt hơn gia đình chính sách và người có công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã trao tặng 371 sổ tiết kiệm tình nghĩa cho các gia đình người có công với tổng số tiền gần 3,4 tỷ đồng; xây mới 1.836 nhà tình nghĩa tặng người có công còn khó khăn về nhà ở. 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng được các đơn vị phụng dưỡng, chăm sóc đến suốt đời; 98% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

 
 

L.T.S: Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017), P.V Báo Gia Lai có cuộc trao đổi với bà TRẦN THỊ HOÀI THANH-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội về phong trào đền ơn đáp nghĩa và chăm sóc người có công trên địa bàn tỉnh.

* P.V: Xin bà cho biết  những kết quả nổi bật trong phong trào đền ơn đáp nghĩa và chăm sóc người có công mà tỉnh ta đã thực hiện thời gian qua?

- Bà TRẦN THỊ HOÀI THANH: Thời gian qua, phong trào đền ơn đáp nghĩa, toàn dân chăm sóc người có công luôn được Đảng bộ, chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đây là phong trào có quy mô lớn, có sức thu hút và lay động lòng người, đem lại nhiều kết quả thiết thực. Nhìn lại những việc làm hết sức ý nghĩa nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), chúng ta có quyền tự hào về những kết quả nổi bật trong thực hiện phong trào đền ơn đáp nghĩa và chăm sóc người có công trên địa bàn toàn tỉnh.

Cụ thể, công tác thực hiện chi trả các chế độ chính sách cho các đối tượng người có công luôn được thực hiện kịp thời, chu đáo. Vào ngày 10 hàng tháng, 16.023 người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi trên địa bàn tỉnh được chi trả đầy đủ các chế độ với tổng số tiền trên 24 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cùng với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, công tác chăm sóc người có công, phong trào vận động đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, trao tặng, hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở, tặng sổ tiết kiệm, nâng cấp tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ, chăm sóc thương-bệnh binh, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng… cũng được các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, những tấm lòng hảo tâm, nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh thường xuyên quan tâm bằng vật chất và tinh thần.

 

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng lãnh đạo tỉnh thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Mười. Ảnh: Đức Thụy
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng lãnh đạo tỉnh thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Mười. Ảnh: Đức Thụy

Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã trao tặng 371 sổ tiết kiệm tình nghĩa cho các gia đình người có công còn khó khăn với tổng số tiền gần 3,4 tỷ đồng; xây mới 1.836 nhà tình nghĩa tặng người có công còn khó khăn về nhà ở. 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng được các đơn vị phụng dưỡng, chăm sóc đến suốt đời; 98% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Bên cạnh đó, tỉnh còn tổ chức tốt các hoạt động như: tổ chức lễ đón, truy điệu và an táng 577 liệt sĩ Quân Tình nguyện Việt Nam hy sinh ở Campuchia tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ. 100% các xã vùng biên được công nhận xã Anh hùng có Nhà bia ghi danh liệt sĩ. 13 Nghĩa trang Liệt sĩ trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng, nâng cấp với tổng kinh phí trên 118 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ là 41 tỷ đồng, còn lại là nguồn vận động xã hội hóa.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-2017), toàn tỉnh đã vận động xã hội hóa hỗ trợ xây mới, sửa chữa 1.248 ngôi nhà cho gia đình người có công còn khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí trên 70 tỷ đồng. Cùng với các hoạt động kỷ niệm, tỉnh còn tổ chức đưa 187 người có công đi điều dưỡng tại Quảng Nam, 39 người có công tiêu biểu thăm Côn Đảo, địa đạo Củ Chi và một số di tích lịch sử khu vực phía Nam; tổ chức lễ đón, truy điệu và an táng 29 hài cốt liệt sĩ Quân Tình nguyện Việt Nam hy sinh ở Campuchia tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ; tổ chức 17 đoàn đi thăm, tặng quà 170 gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn tỉnh; đưa 9 người có công tiêu biểu đi dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tại Hà Nội. Hôm nay (25-7), tỉnh tổ chức dâng hương, dâng hoa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh và tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, biểu dương 27 tập thể, 70 người có công tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Tối 26-7, toàn tỉnh tổ chức thắp nến tri ân tại các Nghĩa trang Liệt sĩ. Tỉnh cũng tổ chức truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng cho 12 mẹ theo quy định; tặng 70 sổ tiết kiệm (15 triệu đồng/sổ) cho 70 người có công; tổ chức chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc tráng ca” tại Quảng trường Đại Đoàn Kết nhằm khơi gợi tình yêu quê hương đất nước, nhắc nhở thế hệ trẻ về sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ cho nền độc lập, tự do của dân tộc.

* P.V: Song song với công tác quan tâm chăm sóc người có công, việc giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng trên địa bàn tỉnh đã được triển khai như thế nào, thưa bà?

- Bà TRẦN THỊ HOÀI THANH: Việc đảm bảo đầy đủ, kịp thời các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với những người đã hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Tính từ năm 2012 đến nay, triển khai Pháp lệnh Ưu đãi người có công, với sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh, việc giải quyết chế độ, chính sách cho người có công trên địa bàn cơ bản kịp thời. Toàn tỉnh đã tiếp nhận và xác nhận cho 1.549 người có công hưởng chế độ ưu đãi.

Theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hồ sơ được xem là tồn đọng gồm các điều kiện đã lập trước ngày 1-7-2013 theo đúng quy định tại từng thời điểm nhưng còn thiếu giấy tờ, thủ tục hoặc hồ sơ đã được thiết lập đầy đủ nhưng do thay đổi chính sách nên chưa được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Toàn tỉnh chỉ còn 1 hồ sơ tồn đọng là đối tượng thanh niên xung phong đề nghị xác nhận hưởng chính sách như thương binh. Về hồ sơ này, Sở đang tiến hành các bước giải quyết.

Song do điều kiện chiến tranh ác liệt kéo dài, đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số trường hợp người tham gia hoạt động kháng chiến chưa được xác nhận là người có công bởi không có hoặc không còn giữ được giấy tờ liên quan. Để tháo gỡ khó khăn, Sở đang xin ý kiến UBND tỉnh, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để có những giải pháp cụ thể, nhất là đối với liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ, người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Cùng với đó, Sở cũng đề nghị các địa phương, ngành liên quan thường xuyên phổ biến kịp thời các quy định, chính sách thay đổi về người có công để thực hiện đúng, đủ, kịp thời; tổ chức xác nhận đảm bảo không để tồn đọng hồ sơ người có công.

 

Chủ tịch UBND Võ Ngọc Thành tham gia lễ đón, truy điệu và an táng liệt sĩ Quân Tình nguyện Việt Nam hy sinh ở Campuchia tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ. Ảnh: Đ.T
Chủ tịch UBND Võ Ngọc Thành tham gia lễ đón, truy điệu và an táng liệt sĩ Quân Tình nguyện Việt Nam hy sinh ở Campuchia tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ. Ảnh: Đ.T

* P.V: Để công tác chăm sóc người có công, phong trào đền ơn đáp nghĩa tiếp tục đạt mục tiêu đề ra, thời gian tới, tỉnh cần tập trung vào những việc làm cụ thể nào, thưa bà?

- Bà TRẦN THỊ HOÀI THANH: Thời gian tới, với mục tiêu thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra là “chăm lo tốt hơn đối với các gia đình chính sách và những người có công với cách mạng, đảm bảo tất cả các gia đình chính sách đều có cuộc sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình so với nhân dân địa phương trên cơ sở kết hợp 3 nguồn lực: Nhà nước, cộng đồng và cá nhân đối tượng chính sách tự vươn lên”, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách ưu đãi người có công để các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn và tích cực thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” sâu rộng trong toàn xã hội.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành của tỉnh và các địa phương để thống nhất triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách đối với người có công. Tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đưa về an táng trong các Nghĩa trang Liệt sĩ; quan tâm nâng cấp, tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ. Tập trung đẩy mạnh chính sách ưu đãi đối với người có công như: chính sách đối với Mẹ Việt Nam Anh hùng, chính sách nhà ở đối với người có công, thân nhân người có công, chính sách đối với thương-bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày và thanh niên xung phong… Động viên, khuyến khích kịp thời các thương-bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công tích cực tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế. Kịp thời tổ chức sơ kết, tổng kết biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” và chăm sóc người có công. Tiếp tục rà soát những trường hợp đủ điều kiện để đảm bảo cho người có công được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời, chính xác các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước.

 

Đinh Yến (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm