(GLO)- Ngày 15-4, Văn phòng UBND tỉnh có Công văn số 747//UBND-NL thông báo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về việc khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai và chủ động phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thời tiết cực đoan, bất thường.
Theo đó, sau khi xem xét Báo cáo số 125/BC-VPTT ngày 15-4-2022 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh về tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của mưa, giông, lốc ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu:
Cây xanh trên đường Hoàng Văn Thụ (TP. Pleiku)-đoạn trước Trung tâm Điện máy Vĩnh Tín bị ngã đổ trong trận mưa lớn kèm theo gió mạnh vào tháng 8-2021. Ảnh: Hồng Thương |
Ủy ban nhân dân huyện Kbang tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình có người thân bị thiệt mạng do sét đánh; khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ khắc phục thiệt hại do mưa, giông, lốc trên địa bàn; giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết cực đoan và chủ động chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và toàn thể nhân dân trên địa bàn triển khai các biện pháp ứng phó với going, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh với phương châm “4 tại chỗ”, tránh thiệt hại về người, giảm thiểu thiệt hại về tài sản do các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra. Căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn để hướng dẫn cụ thể các xã, phường, thị trấn, các tổ chức, cá nhân về các biện pháp phòng, tránh giông, lốc xoáy, mưa đá, sét đánh, gió giật mạnh; đôn đốc, kiểm tra ngay việc chuẩn bị nhân lực, phương tiện tìm kiếm cứu nạn, dự trữ nhu yếu phẩm, thuốc men để nhanh chóng khắc phục hậu quả khi có thiệt hại xảy ra. Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức đội ứng cứu, tổ y tế cơ động, lực lượng này cần được bố trí thường trực sẵn sàng huy động ngay để xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT) hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tổng hợp, báo cáo và khẩn trương khắc phục thiệt hại do mưa, dông, lốc gây ra; tổng hợp, báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 20-4-2022. Đồng thời, tăng cường theo dõi, nắm bắt chặt chẽ diễn biến các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm trên địa bàn tỉnh; chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống ứng phó hiệu quả với thiên tai.
Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Tây Nguyên tăng cường dự báo, cảnh báo kịp thời hiện tượng thời tiết cực đoan (giông, lốc, sét, mưa đá…) cho Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; cung cấp thông tin cho Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Báo Gia Lai để đưa tin, phổ biến cho Nhân dân chủ động ứng phó.
Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Báo Gia Lai phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Tây Nguyên thông tin kịp thời về dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết cực đoan trên các phương tiện thông tin đại chúng để cơ quan, đơn vị và toàn thể nhân dân biết, triển khai các biện pháp ứng phó.
KIỀU PHAN