Thời tiết

Gia Lai: Chủ động triển khai biện pháp ứng phó với khả năng xuất hiện bão trên Biển Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 1-10, UBND tỉnh Gia Lai có Công văn số 1447/UBND-NL về việc chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với khả năng xuất hiện bão trên Biển Đông.
Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, khoảng ngày 5 đến 6-10 trên dải hội tụ nhiệt đới hoạt động mạnh ở vùng biển phía Đông khu vực giữa Biển Đông (sát Philippines) sẽ xuất hiện 1 áp thấp nhiệt đới. Sau đó, áp thấp nhiệt đới di chuyển về phía Tây Bắc, có khả năng mạnh lên thành bão trên biển Đông. Để chủ động ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng mưa lũ trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu:
Các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo địa bàn được phân công tại Công văn số 1688/BCH-PCTT ngày 31-7-2019 của Trưởng ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng-chống, ứng phó thiên tai ở các địa phương được giao phụ trách. 
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới để nắm bắt thông tin, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhà nước và Nhân dân. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu, bị chia cắt để sẵn sàng phương án sơ tán dân đến nơi an toàn, trong đó chú ý kiểm tra các điều kiện đảm bảo trong trường hợp có thể phải sơ tán dài ngày, công trình tránh trú; chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, không để người dân thiếu đói, rét. Rà soát, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính và đảm bảo an toàn cho học sinh trong tình huống mưa, lũ lớn. Rà soát, sẵn sàng tiêu úng khu vực trũng thấp, khu đô thị, khu công nghiệp, vùng sản xuất nông nghiệp. Triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, cây trồng, vật nuôi, trong đó chủ động thu hoạch lúa, hoa màu đã đến kỳ thu hoạch và sẵn sàng di dời gia súc, gia cầm tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu đến nơi an toàn. Tổng hợp, báo cáo kịp thời các thiệt hại do mưa lũ về Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT) qua Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. 
Các chủ đầu tư; chủ hồ, đập thủy lợi, thủy điện theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bố trí lực lượng trực ban 24/24 giờ trong thời gian xảy ra mưa, lũ tại công trình. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa, phương án bảo vệ đập, phương án phòng-chống lụt bão và bảo đảm an toàn đập trong mùa lũ, phương án phòng-chống lũ lụt cho vùng hạ du đập do xả lũ hồ chứa hoặc sự cố đập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kiểm tra, rà soát và chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, trang thiết bị, phương tiện, hậu cần đảm bảo phương châm “4 tại chỗ” để phục vụ công tác bảo đảm an toàn đập, vùng hạ du đập trong mùa mưa lũ năm 2021. Phối hợp với chính quyền địa phương thông báo kịp thời việc xả lũ hồ chứa thuỷ lợi, thủy điện đến nhân dân vùng hạ du đập để chủ động phòng tránh, ứng phó, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và Nhân dân khi xả lũ hồ chứa.
KIỀU PHAN

Có thể bạn quan tâm